Trường hợp bạn hỏi, tôi tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn bị người khác có hành vi xâm phạm như: vu khống, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm bịa đặt chuyện người khác... được xem là vu khống.
Theo quy định tại Ðiều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
"1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này."
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm được quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2005 như sau:
"1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định".
Để yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm thì phải đáp ứng những điều kiện sau :
Căn cứ Điều 588 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Thứ hai là việc nộp hồ sơ khởi kiện phải đúng thẩm quyền của Tòa án thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án cấp Quận, Huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc để khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết
Thứ ba là hồ sơ khởi kiện phải đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm :
- Đơn khởi kiện : theo đúng mẫu ban hành kèm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Giấy tờ chứng minh hành vi danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm và những tình tiết, sự kiện phải chứng minh
- Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước về địa chỉ cư trú, làm việc của bị đơn;
- Chứng minh nhân dân và Hộ khẩu của người khởi kiện;
- Giấy tờ chứng minh vụ việc vẫn còn thời hiệu khởi kiện (nếu có).
- Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, của các đương sự và người có liên quan khác
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).
Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu bạn có chứng cứ chứng minh người đó đã xâm phạm danh dự, nhân phẩm của bạn thì bạn có thể viết đơn tố cáo với cơ quan công an. Người đó có thể bị phạt hành chính từ 100.000 đến 300.000VNĐ theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP nếu hành vi đó không cấu thành nên tội phạm. Nếu có đủ căn cứ để cho rằng có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ thụ lý để giải quyết vụ án.
Điều 122 Bộ luật Hình sự quy định, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm (khoản 1).
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm (khoản 3).
Người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ có trách nhiệm bồi thường theo quy định trên. Nếu bạn có thắc mắc hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy liên lạc trực tiếp điện thoại với tôi để được tư vấn cụ thể hơn.