Chào bạn!
Luật sư Đặng Văn Cường, bổ sung ý kiến như sau:
1. Bạn có quyền lập di chúc theo quy định tại Điều 631 BLDS.
Tuy nhiên, đến thời điểm di chúc của bạn có hiệu lực pháp luật (bạn chết) mà pháp luật quy định về quyền sở hữu nhà ở của người VN định cư ở nước ngoài vẫn không thay đổi thì chị bạn chỉ có thể được sở hữu nhà theo di chúc của bạn nếu chị bạn thuộc một trong các trường hợp quy định tại Luật sửa đổi điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật đất đai năm 2009.
Nếu chị bạn không thuộc trường hợp đó thì chỉ được nhận thừa kế bằng giá trị tiền (ngôi nhà đó được bán đi để giao giá trị tiền cho chị bạn).
2. Để phòng ngừa tranh chấp thì bạn có thể thực hiện các khác, ví dụ: Lập biên bản thỏa thuận với chị bạn về việc nhờ mua nhà, đứng tên hộ...
Bạn có thể tham khảo quy định pháp luật sau đây:
Điều 1. Điều 126 của Luật nhà ở được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 126. Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a) Người có quốc tịch Việt Nam;
b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”
Điều 2. Điều 121 của Luật đất đai được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 121. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 105 và Điều 107 của Luật này;
b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;
c) Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;
d) Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật Việt Nam;
đ) Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.”
Điều 3
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2009.