Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Về nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH của doanh nghiệp
- Điều 18 Bộ Luật Lao động quy định: “Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động”.
- Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:
Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
- Điều 110, Điều 111 Luật Bảo hiểm xã hội thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội cho tổ chức bảo hiểm xã hội.
- Khoản 2, khoản 3 điều 26 Nghị định 95 quy định:
Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động
Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời truy thu số tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng.
2. Chấm dứt hợp đồng lao động
Bạn không nói rõ lý do vì sao doanh nghiệp cho bạn nghỉ việc, tuy nhiên, Điều 36 của Bộ Luật Lao động quy định cụ thể các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà theo đó doanh nghiệp chỉ được thực hiện theo quy định này, cụ thể:
1. Hết hạn hợp đồng lao động;
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định;
5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định;
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định;
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Như vậy, việc chấm dứt hợp đồng lao động của bạn trong trường hợp này thuộc điểm 10 nêu trên, tức là bạn bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo quy định của điều 38 Bộ Luật Lao động, nếu chứng minh được thuộc các trường hợp sau đây thì doanh nghiệp mới được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn:
- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại điều 33 Bộ Luật Lao động.
Nếu không chứng minh được mình có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp có nghĩa vụ: nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ lương trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng lương theo hợp đồng. Nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc nữa thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc. (Tham khảo điều 42 Bộ Luật Lao động).
3. Về việc doanh nghiệp chậm trả lương cho bạn (giữ lại lương tháng 8 và một phần lương các tháng trước đó):
- Điều 13 Nghị định 95 quy định: Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật lao động từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; đồng thời buộc người lao động phải trả đủ phần số lương còn thiếu (chậm) cho người lao động.
4. Phương thức giải quyết:
Theo quy định tại Chương XIV của Bộ Luật Lao động, bạn có thể lựa chọn hai phương thức: đưa vụ việc ra hòa giải viên lao động hoặc khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Bạn cũng có thể làm đơn tố cáo những sai phạm trên của doanh nghiệp ra Thanh tra lao động để cơ quan này có biện pháp xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn sức khỏe.
Trân trọng./.