Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, khi khởi kiện nguyên đơn phải cung cấp tài liệu chứng minh yêu cầu khởi kiện, theo đó phải cung cấp thông tin về nơi cư trú của bị đơn để làm căn cứ xác định thẩm quyền tòa án.
Để làm rõ thông tin của người bị kiện trong đơn khởi kiện, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn Quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ Luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi Bộ Luật tố tụng dân sự, theo đó điều 9 quy định:
“Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án. Việc Toà án thụ lý vụ án để sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “chưa tìm được địa chỉ của bị đơn” là không đúng quy định của BLTTDS, vì đây không phải là một trong những trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 189 của BLTTDS. Toà án cũng không được tự mình tiến hành thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự.
Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS, hướng dẫn tại Điều 5 của Nghị quyết này và Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung”.
Vậy, căn cứ vào quy định trên, nếu người khởi kiện có tài liệu nhân thân chứng minh địa chỉ của người khởi kiện như chứng minh nhân dân và/hoặc sổ hộ khẩu, hoặc xác nhận của cơ quan công an…, đã ghi đúng, ghi đầy đủ địa chỉ này trong đơn khởi kiện nhưng tại thời điểm khởi kiện, người bị kiện không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi chỗ ở thì bị coi là cố tình giấu địa chỉ và tòa án vẫn xem xét thụ lý bình thường.
Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 nhưng trên thực tế nhiều tòa án vẫn không thụ lý hồ sơ khởi kiện. Để “an toàn”, tòa án hướng dẫn người khởi kiện tiến hành thủ tục yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú trước khi thụ lý hồ sơ khởi kiện như bạn trao đổi.
Trên đây một vài ý kiến trao đổi của luật sư, hi vọng cùng bạn làm sáng tỏ được phần nào về mặt pháp lý và thực tiễn của vấn đề. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trao đổi trực tiếp với luật sư của chúng tôi.
Thân chúc bạn sức khỏe, thành công.
Trân trọng./.