Chào bạn!
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
1. Theo quy định tại Điều 23 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và Điều 671 Bộ luật dân sự năm 1995 thì Di chúc chung vợ chồng có hiệu lực từng phần đối với tài sản của từng người nếu vợ chồng không chết cùng nhau trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của di chúc (đến Bộ luật dân sự năm 2005 mới quy định là di chúc chung vợ chồng có hiệu lực kể từ thời điểm người sau cùng chết).
Theo thông tin bạn nêu thì cha bạn mất năm 1992, mẹ bạn mất năm 2003 nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và Bộ luật dân sự năm 1995. Nếu cha mẹ bạn không có thỏa thuận là di chúc có hiệu lực khi người sau cùng chết thì phần di chúc đối với di sản của cha bạn đã có hiệu lực từ năm 1992. Đến nay, đã hết thời hiệu khởi kiện tranh chấp về thừa kế đối với phần di sản của cha bạn ( chứ không phải là di chúc hết hiệu lực). Di chúc đó có thể có hiệu lực một phần hoặc di chúc vô hiệu toàn bộ, tùy thuộc vào nội dung và hình thức của di chúc.
2. Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nên cơ quan thi hành án có quyền thi hành các quyết định của Bản án đó. Bản án đó chỉ bị tạm hoãn, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ trong một số trường hợp nhất định, bạn tham khảo một số quy định của Luật thi hành án sau đây:
"Điều 48. Hoãn thi hành án
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;
b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án;
c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên;
d) Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết;
đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật này.
2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết.
Trường hợp vụ việc đã được thi hành một phần hoặc đã được thi hành xong thì cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản thông báo ngay cho người yêu cầu hoãn thi hành án.
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.
Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.
3. Thời hạn ra quyết định hoãn thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ hoãn thi hành án quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì phải ra ngay quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi căn cứ hoãn thi hành án quy định tại khoản 1 Điều này không còn, hết thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khi nhận được văn bản trả lời của người có thẩm quyền kháng nghị về việc không có căn cứ kháng nghị thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.
Điều 49. Tạm đình chỉ thi hành án
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo ngay bằng văn bản cho người đã kháng nghị.
Trong thời gian tạm đình chỉ thi hành án do có kháng nghị thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.
2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.
Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án.
3. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được một trong các quyết định sau đây:
a) Quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền;
b) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị;
c) Quyết định của Toà án về việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản, đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
Điều 50. Đình chỉ thi hành án
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;
b) Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;
c) Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;
d) Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ;
đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;
e) Có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án;
g) Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;
h) Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên.
2. Thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều này. "
3. Nếu Tòa án xác định phần di chúc của cha bạn không có hiệu lực hoặc/và đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với phần di sản của cha bạn thì ai đang quản lý di sản được tiếp tục quản lý phần di sản đó (1/2 tài sản của cha mẹ bạn để lại). Việc chia tài sản chung đối với phần di sản hết thời hiệu khởi kiện chỉ được thực hiện nếu thỏa mãn 1 trong 2 trường hợp quy định tại Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, cụ thể như sau:
"Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.".
4 . Nếu di chúc của cha mẹ bạn có hiệu lực pháp luật hoặc/và có sự đồng thuận của tất cả các thừa kế của cha mẹ bạn thì di sản đó mới là tài sản chung. Khi đó gia đình bạn mới thực hiện được thủ tục khai nhận di sản thừa kế để phân chia di sản. Hiện nay, gia đình bạn đang có tranh chấp về thừa kế và đã được Tòa án giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật nên gia đình bạn phải tuân thủ bản án đó chứ không thể thực hiện được thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
5. Nếu không đồng ý với bản án đó thì các đương sự có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền kháng nghị Giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 285 Bộ luật tố tụng dân sự để xem xét lại bản án đó theo thủ tục Giám đốc thẩm. Nếu có căn cứ để giám đốc thẩm thì bản án phúc thẩm sẽ bị kháng nghị và vụ án sẽ được xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm. Hội đồng giám đốc thẩm có thể hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật đó để giải quyết lại nếu có căn cứ cho rằng khi giải quyết vụ án, tòa án đã không khách quan, áp dụng sai pháp luật hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (Điều 283 BLTTDS)...