Với thông tin bạn cung cấp người nhà của bạn cầm đầu đường dây ma tuý nhưng khi bắt người nhà bạn trên người không có ma tuý xét trong nhà cũng không có. Như vậy, người than bạncó thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội Tàng trữ, buôn bán các chất ma túy…. Do hiện tại người này đang bị giam giữ, gia đình bạn không có thông tin chính xác họ bị tạm giam hay tạm giữ, đồng thời cũng không có thông tin về quyết định khởi tố vụ án nên rất khó xác định hướng giải quyết cụ thể trong trường hợp này.
Tại Điều 116, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nghĩa vụ thông báo trong trường hợp giữ, bắt người như sau:
“Sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết.
“Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết; trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt.
“Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay.”
Trường hợp bạn nêu, người thân đang bị tạm giam mà gia đình hoặc chính quyền địa phương không nhận được thông báo từ cơ quan điều tra thì Gia đình bạn có thể đến cơ quan điều tra đang giải quyết vụ việc của người thân mình, yêu cầu cung cấp thông tin về tình trạng bị giam, giữ của người này, trường hợp cơ quan điều tra từ chối cung cấp thông tin, gia đình bạn có thể làm đơn khiếu nại đến Thủ trường cơ quan điều tra yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự trong vụ việc trên.
Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 22 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015 quy định về việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam: “Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ”
Như vậy, dù bị giam, giữ, nhưng người phạm tội vẫn được phép gặp người thân trong khoảng thời gian này. Do đó, bạn và những người thân khác có thể thăm gặp người đang bị tạm giam, tạm giữ nhưng phải trong điều kiện phù hợp và được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ sở giam giữ.
Nếu người thân bạn rơi vào tình trạng pháp lý như bạn nêu thì nên tìm đến sự trợ giúp của luật sư. Các bạn cũng cần hiểu rằng luật sư là người hiểu biết pháp luật, có tư cách đại diện theo quy định và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp – Không phải tìm đến luật sư là để làm gì đó trái luật.