Chào bạn!
Luật sư Đặng Văn Cường trả lời câu hỏi của bạn như sau:
1. Theo thông tin mà bạn cung cấp thì không có căn cứ để xác định Tòa án đã hoặc đang giải quyết vụ án đó bởi Điều 174 BLTTDS quy định:
Điều 174. Thông báo về việc thụ lý vụ án
1. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Toà án đã thụ lý vụ án.
2. Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;
b) Tên, địa chỉ Toà án đã thụ lý vụ án;
c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
d) Những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết;
đ) Danh sách tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện;
e) Thời hạn người được thông báo phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Toà án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có;
g) Hậu quả pháp lý của việc người được thông báo không nộp cho Toà án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu.".
Như vậy, nếu gia đình bạn không nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án thì chứng tỏ chưa có vụ án nào cả. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cho rằng vụ việc đang được Tòa án giải quyết hoặc đã được Tòa án giải quyết thì họ phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc đó.
2. Điều 135 Luật đất đai quy định tranh chấp đất đai mà không thể tự giải quyết được thì có đơn yêu cầu UBND xã hòa giải. UBND xã phối hợp với MTTQ để hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì các đương sự có quyền đề nghị UBND hoặc Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 136 Luật đất đai. Nếu các đương sự không có đơn yêu cầu thì các cơ quan đó cũng không có nghĩa vụ phải giải quyết. Trong vụ việc này có thể gia đình bà Thu có đơn kiện nhưng không đủ điều kiện để Tòa án thụ lý nên Tòa án đã không thông báo thụ lý cho gia đình bạn và không giải quyết.
3. Khoản 3, Điều 159 BLTTDS quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại. Do vậy, từ năm 2009 đến nay nếu gia đình bà Thu không có đơn khởi kiện thì nay là mất quyền khởi kiện vụ án tranh chấp đó. Đồng thời không thể cho rằng thửa đất của gia đình bạn đang có tranh chấp.
4. Pháp luật quy định việc tách thửa chỉ thực hiện thông qua Phòng công chứng và UBDN cấp huyện. UBND cấp xã không tham gia vào bất cứ quy trình nào của việc tách sổ. Do vậy, bạn chỉ cần thuê công ty đo đạc đo vẽ thửa đất, công chứng hợp đồng rồi nộp hồ sơ vào Phòng TN&MT để tách thửa là xong. Bạn có thể tham khảo quy định của Nghị định181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành luật đất đai như sau:
Điều 145. Trình tự, thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa
1. Hồ sơ tách thửa hoặc hợp thửa gồm có:
a) Đơn xin tách thửa hoặc hợp thửa của người sử dụng đất đối với trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu khi thực hiện quyền đối với một phần thửa đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thu hồi một phần thửa đất hoặc một trong các loại văn bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 của Nghị định này khi thực hiện đối với một phần thửa đất;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai (nếu có).
2. Việc tách thửa, hợp thửa theo nhu cầu của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Người có nhu cầu xin tách thửa hoặc hợp thửa lập một (01) bộ hồ sơ nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài; nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân;
b) Trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc để chuẩn bị hồ sơ địa chính;
c) Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính và gửi đến cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp;
d) Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét và ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới; Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai và ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới trong trường hợp được uỷ quyền hoặc trình Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét và ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới trong trường hợp không được uỷ quyền;
đ) Trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ trình, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét, ký và gửi cho cơ quan tài nguyên và môi trường trực thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất mới, trừ trường hợp Sở Tài nguyên và Môi trường được uỷ quyền;
e) Trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày giấy chứng nhận được ký, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm trao bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất mới cho người sử dụng đất; gửi bản lưu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được ký, bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thu hồi hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai đã thu hồi cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc; gửi thông báo biến động về sử dụng đất cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để chỉnh lý hồ sơ địa chính gốc.
"