Chào bạn!
Luật sư Đặng Văn Cường trả lời bạn như sau:
1. Theo thông tin mà bạn đưa ra thì di sản của ông bà bạn không chỉ có diện tích 8000m2 và ngôi nhà mà còn cả phần điện tích đất mà gia đình bạn và gia đình nhà bác bạn đang sử dụng.
2. Việc chia thừa kế bằng miệng, hoặc tặng cho bằng miệng không có giá trị pháp lý vì chưa tuân thủ về thủ tục. Hiện nay Giấy chứng nhận QSD đất vẫn đứng tên ông bà bạn nên toàn bộ diện tích đất trong GCN đều là di sản của ông bà bạn. Nếu cô, chú bạn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế thì Tòa án sẽ chia ngôi nhà và toàn bộ diện tích đất ghi trong GCN của ông bà bạn.
3. Để chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông bà bạn thì các thừa kế phải tiến hành thủ tục phân chia di sản thừa kế theo thủ tục tại Điều 49 Luật công chứng hoặc Khai nhận di sản thừa kế theo quy định tại Điều 50 Luật công chứng. Sau khi khai nhận, phân chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật thì các thừa kế mới có quyền định đoạt di sản đó.
Thủ thục khai nhận, phân chia di sản thừa kế đòi hỏi phải có giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân và chữ ký của tất các các thừa kế thì mới thực hiện được thủ tục. Nếu cô, chú bạn không thực hiện thủ tục khai nhận, phân chia di san thừa kế như trên mà cứ chuyển nhượng di sản cho người khác thì việc chuyển nhượng đó là trái pháp luật. Bạn có quyền khiếu kiện việc mua bán, chuyển nhượng đó.
4. Trong vụ việc của gia đình bạn tốt nhất là thỏa thuận hòa giải được với nhau để chia phần 8000m2 cho các thừa kế cùng hưởng. Nếu không thỏa thuận, phải khởi kiện ra Tòa án thì phần đất của bố bạn và bác bạn cũng sẽ được xác định là di sản của ông bà bạn chưa chia (chưa chia hợp pháp) và sẽ chia đều cho các thừa kế theo quy định pháp luật. Trong trường hợp này, bố bạn và bác bạn chỉ được sở hữu phần công trình xây dựng trên đất và trích một phần công sức duy trì, tôn tạo di sản.