Chào bạn!
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi của bạn như sau:
1. Pháp luật không quy định về việc làm đám cưới trước hay đăng ký kết hôn trước. Luật hôn nhân và gia đình chỉ quy định về đăng ký kết hôn, còn việc làm đám cưới thì thực hiện theo phong tục, tập quán địa phương. Do vậy, bạn có thể tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn trước hay sau ngày cưới đều được.
2. Thẩm quyền đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 12 Luật HN&GĐ là: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn là cơ quan đăng ký kết hôn. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở nước ngoài.
3. Thủ tục tổ chức đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 14 như sau: “Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên”. Như vậy, khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn chỉ cần có mặt hai bên nam nữ là được. Tuy nhiên, phong tục tập quán địa phương thường có đại diện hai bên gia đình tham gia chứng kiến thủ tục. Do vậy bạn có thể mời đại diện hai bên gia đình tham gia (không bắt buộc) cho vui vẻ, đầm ấm.
Hiện nay ở một số địa phương tổ chức lễ đăng ký kết hôn tương đối trang trọng, lịch sự (có hoa, kẹo bán, chè thuốc.., có đại diện UBND...) tạo ra không khí hạnh phúc, vui vẻ cho người đăng ký kết hôn. Tuy nhiên có nhiều nơi thủ tục đăng ký chỉ là đến ký và nhận giấy đăng ký kết hôn. Do vây, để ngày đăng ký kết hôn thêm ý nghĩa, bạn có thể liên hệ trước với cơ quan đăng ký kết hôn để chuẩn bị thủ tục.
Chúc bạn hạnh phúc!