Chào bạn!
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi của bạn như sau:
1. HÌNH THỨC CỦA HỢP ĐỒNG
Điều 401 BLDS quy định: Hợp đồng dân sự có thể thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi nhất định… trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải thể hiện bằng văn bản có công chứng thì phải tuân thủ quy định đó.
Như vậy, hợp đồng mua bán xi măng giữa bạn với ông Ly là có hiệu lực pháp luật (không bắt buộc phải bằng văn bản). Trong quá trình tranh chấp, ông Ly đã thừa nhận số lượng Xi măng đã mua của bạn, chỉ còn tranh chấp nhau về giá cả.
2. XÁC ĐỊNH GIÁ CẢ
Khoản 3, Điều 431 BLDS quy định: “Trong trường hợp thỏa thuận mức giá hoặc phương pháp xác định giá không rõ ràng thì giá của tài sản được xác định căn cứ vào giá thị trường tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.”.
Như vậy, theo quy định pháp luật thì giá tiền mua Xi măng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giao kết hợp đồng (năm 2007).
3. THỜI ĐIỂM THANH TOÁN VÀ LÃI SUẤT
Nghĩa vụ trả tiền được quy định tại Điều 438 BLDS, cụ thể như sau: “Nghĩa vụ trả tiền
1. Bên mua phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm đã thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm giao tài sản.
2. Bên mua phải trả lãi, kể từ ngày chậm trả theo quy định tại khoản 2 Ðiều 305 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”.
Như vậy, ông Ly có nghĩa vụ trả tiền cho bạn tính theo giá năm 2007 và phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Nếu các bên không thống nhất được giá cả thì bạn có thể khởi kiện để tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.