Chào bạn!
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trả lời bạn như sau:
1. Theo thông tin bạn nêu thì cậu của bạn đã phạm tội theo quy định tại Điều 194 BLHS, mức hình phạt được quy định như sau:
Điều 194. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam;
h) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam;
i) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới năm mươi kilôgam;
m) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam;
n) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít;
o) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản 2 Điều này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam;
b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ hai mươi lăm kilôgam đến dưới bảy mươi lăm kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ hai trăm kilôgam đến dưới sáu trăm kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới một trăm năm mươi kilôgam;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai trăm năm mươi mililít đến dưới bảy trăm năm mươi mililít;
h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên;
b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ bảy mươi lăm kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam trở lên;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam trở lên;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên;
h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
2. Thời hạn tạm giam để điều tra được quy định tại Điều 120, Điều 121 BLTTHS, cụ thể như sau:
Căn cứ Điều 120 và Điều 121 Bộ luật tố tụng Hình sự hiện hành thì thời hạn tạm giam để điều tra theo từng trường hợp như sau:
1. Thời hạn tạm giam bị can bị giam để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết hạn tạm giam, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được qui định như sau:
a. Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng.
b. Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng.
c. Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng.
d. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
3. Trong trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 165 của Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.
Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết hạn điều tra, CQĐT phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a. Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng.
b. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá ba tháng.
4. Trong trương hợp vụ án do VKS trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng. nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. VKS hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày CQĐT nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra.
5. Trong trường hợp vụ án được trả lại để điều tra thì thời hạn điều tra và gia hạn điều tra theo thủ tục chung quy định tại Điều 119 của Bộ luật này. Thời hạn điều tra được tính từ khi CQĐT nhận hồ sơ và yêu cầu điều tra lại.
6. Khi phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, CQĐT có quyền áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật này.
Trong trường hợp có căn cứ theo quy định của Bộ luật này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra, để điều tra bổ sung không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra nêu trên.
Thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam trong trường hợp vụ án được điều tra lại theo thủ tục chung quy định tại Điều 120 của Bộ luật này.
Như vậy, nếu cậu bạn phạm tội thuộc trường hợp: Nghiêm trọng thì tổng thời gian tạm giam để điều tra là 6 tháng; Rất nghiêm trọng thì tổng thời hạn điều tra là 9 tháng; Đặc biệt nghiêm trọng thì tổng thời gian tạm giam để điều tra là 16 tháng. Ngoài thời hạn tạm giam để điều tra, còn thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra, điều tra bổ sung...
Sau giai đoạn điều tra là giai đoạn truy tố, tổng thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố với các loại tội phạm tương ứng là: 20 ngày + gia hạn 10 ngày; 30 ngày + gia hạn 15 ngày; 30 ngày + gia hạn 30 ngày...
Sau giai đoạn truy tố là xét xử: Thời hạn tạm giam để xét xử sở thẩm với các loại tội phạm tương ứng là: 45 ngày; 2 tháng 15 ngày; 3 tháng 15 ngày...
Nói chung, với số lượng ma túy được thu giữ như vậy thì cậu của bạn sẽ bị tạm giam và chấp hành hình phạt tù giam liên tục cho đến khi chấp hành xong hình phạt (sẽ không có tại ngoại). Cậu bạn chỉ có thế được xem xét giảm nhẹ hình phạt nếu có những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 46 BLHS. Gia đình bạn có thể mời luật sư tham gia vụ án để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cậu của bạn theo quy định pháp luật.