Chào bạn!
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
1. Theo quy định tại Điều 93, Luật hôn nhân và gia đình thì chồng bạn có quyền khởi kiện tới tòa án để yêu cầu thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn. Nay con bạn đã đủ 3 tuổi rồi nên chồng bạn có quyền căn cứ vào quy định trên của luật hôn nhân và gia đình và bộ luật dân sự để khởi kiện, yêu cầu thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn. Tuy nhiên, tòa án có chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chồng bạn hay không lại là chuyện khác.
2. Theo quy định tại Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì tòa án sẽ giao con cho một bên nuôi nếu có căn cứ xác định việc giao con cho người đó sẽ đảm bảo cho con phát triển tốt về tình thần, thể chất và điều kiện học tập. Vì vậy, khi có tranh chấp về quyền nuôi con thì bạn phải xuất trình tài liệu chứng cứ chứng minh về điều kiện sống, thời gian, thu nhập, tâm lý... của bạn tốt hơn chồng bạn, đảm bảo cho con bạn sống với bạn sẽ phát triển thể chất, tinh thần, điều kiện học tập tốt hơn là sống với chồng bạn. Chồng bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trong suốt thời gian qua, học vấn, trình độ tâm lý ... kém hơn bạn cũng là lợi thế của bạn khi giành quyền nuôi con.
3. Theo quy định pháp luật thì khi tranh chấp về quyền nuôi con mà con từ 9 tuổi trở lên thì tòa án phải hỏi ý kiến của con trước khi quyết định giao con cho một bên nuôi. Tuy nhiên, chỉ là "hỏi" chứ không phải là "theo" ý kiến của con. Vì vậy, quyết định cuối cùng vẫn là tòa án trên cơ sở các quy định của pháp luật.
4. Việc chăm sóc, thăm nuôi con được luật hôn nhân và gia đình quy định và được ghi nhận tại quyết định, bản án ly hôn của vợ chồng bạn do vậy bạn phải thực hiện theo nội dung bản án, quyết định đó chứ không thể hạn chế được.
5. Nếu chồng bạn "bắt cóc" con bạn đề giành quyền nuôi con thì rất khó để đòi lại. Về lý thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ đòi con lại cho bạn nhưng thực tế không mấy khi cơ quan thi hành án bắt con của chồng để giao cho vợ và ngược lại. Vì vậy, bạn nên thận trọng trong việc này, tránh ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của con bạn.
Bạn tham khảo quy định sau đấy của luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Luật này có hiệu lực tới ngày 01/01/2015:
"Điều 92. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Điều 93. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên."