Chào các bạn,
Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn các thành viên đã tham gia thảo luận nhiệt tình chủ đề này. Đồng thời, tôi cũng xin có vài điều trao đổi thêm với các bạn.
Trước hết, qua phần trao đổi của các bạn, tôi thấy rằng, ngay cả chúng ta ở đây, những người được xếp vào thành phần có trình độ học vấn và dân trí tương đối cao. Tuy vậy, đa số chúng ta, việc thực hiện quyền công dân trong lĩnh vực bầu cử vẫn còn mang tính miễn cưỡng hoặc hình thức, chiếu lệ. Tôi cho rằng ở điểm này, tự mỗi chúng ta phải thay đổi. Tại sao ư? Bởi vì khi mình thực hiện việc bầu cử theo kiểu làm cho có, làm cho xong thì điều đó mang lại một hậu quả vô cùng lớn. Tuy mỗi người chỉ bỏ một lá phiếu, nhưng nhiều lá phiếu lại quyết định vận mệnh chính trị của một con người. Nếu khi chúng ta bỏ phiếu, chúng ta cứ bỏ đại cho xong thì rất có khả năng rằng, người được bầu là người không có đủ nhân cách, phẩm chất tài năng để tham gia vào Quốc Hội, HĐND. Còn người xứng đáng thì đôi khi bị trượt vỏ chuối. Và hậu quả này dĩ nhiên là chúng ta, những công dân đã thực hiện việc bầu cử gánh chịu.
Chúng ta chắc cũng đã thấy nhiều đại biểu QH, HĐND chỉ lên ngồi đó để gật (mà báo chí thường gọi một cách châm biến bằng cái tên "nghị gật"). Họ không có quan điểm, không có chính kiến, không biết chất vấn, không đại diện cho quyền và lợi ích của bất kỳ ai. Còn chúng ta, những công dân thì phải gánh chịu những hậu quả đó. Và tôi đề nghị rằng, những ai tham gia diễn đàn này, nếu có thông tin gì về các vị ứng cử đại biểu QH, HDND thì chúng ta cũng nên chia sẻ cho mọi người trên diễn đàn biết với. Nếu làm được như vậy, việc thực hiện quyền công dân của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn.
Thứ hai, một số bạn băn khoăn rằng tại sao quyền mà bắt buộc phải làm? Quyền có nên bắt buộc phải làm không? Thực ra, nếu bạn hiểu sâu sắc vấn đề, bạn sẽ thấy rằng, có những trường hợp không thể phân tách một cách rạch ròi đó là quyền hay là nghĩa vụ. Và luật đành quy định rằng đó vừa là quyền vừa là nghĩa vụ. Trong trường hợp này, nó là quyền, nhưng trong trường hợp khác, nó là nghĩa vụ. Tôi lấy ví dụ như: quyền và nghĩa vụ lao động. Lao động là quyền của bạn. Nhưng bạn đã đủ 18 tuổi, hoàn toàn có khả năng lao động. Với người bình thường, lao động là đương nhiên, vì khi bạn lao động bạn mới thấy mình có ích, mình đáng sống. Nhưng bạn không chịu lao động vì bạn cho rằng làm việc hay không đó là quyền của bạn. Và bạn cứ sống như vậy, hoặc là sống nhờ tài sản của bố mẹ, hoặc là sống nhờ trộm cắp. Vậy khi đó, bạn có phải là gánh nặng của xã hội hay không?
Trong trường hợp đó, lao động là nghĩa vụ của bạn. Bạn thấy đó, người nước ngoài được trợ cấp thất nghiệp để sống, đủ cho họ có thể đi du lịch. Nhưng bất cứ khi nào các tổ chức việc làm sắp xếp được việc làm cho họ, họ phải làm việc. Nếu không quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp của họ sẽ bị cắt. Và tôi nghĩ rằng, bầu cử cũng là một quyền và nghĩa vụ như vậy. Bởi vì, nếu ai cũng không đi bầu cử, thì có thiết lập được bộ máy nhà nước hay không? Hay khi đó, kẻ nào mạnh người đó sẽ cướp ngôi (giống thời phong kiến). Xã hội đã trải qua một cuộc đấu tranh dài đằng đẵng mới có được quyền bầu cử nhằm thiết lập bộ máy nhà nước một cách dân chủ. Tại sao bạn lại từ chối quyền đó?
Thứ ba, tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm cho tâm trạng của nhiều người rằng đôi khi kết quả bầu cử dường như được sắp đặt trước. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng việc có sắp đặt được hay không là phụ thuộc vào ý thức của chúng ta. Không phải người ta muốn làm gì thì làm đâu. Nếu MTTQ đưa danh sách người mà người ta không tín nhiệm, chúng ta đều gạch bỏ người đó. Liệu người đó có trúng cử được không? Nếu đưa mà không trúng, lần sau MTTQ cũng phải cân nhắc hơn trong việc quyết định người nào là ứng cử viên chứ.
Thứ tư, tôi xin nói rõ hơn cho các bạn trẻ tuổi hiểu được ý của Unjustice. Việc cho phép ứng cử viên dùng tiền tài trợ từ các tập đoàn kinh tế để vận động tranh cử một cách rầm rộ như một số nước cũng có ưu điểm đâu. Vì khi họ đã nhận tiền tài trợ để tranh cử, thì khi trở thành chính trị gia, họ phải đại diện cho các tập đoàn này, phải đưa ra chính sách kinh tế - xã hội mang lại lợi ích cho các tập đoàn này chứ? Nguyên tắc có qua có lại mà.
Trên đây là một vài điều trao đổi thêm với các bạn. Chúc các bạn bầu được đúng người có đức có tài để làm đại biểu QH, HĐND.
Cập nhật bởi QuyetQuyen945 ngày 12/05/2011 04:19:55 CH