Ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn về 1 số vấn đề liên quan đến việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Nội dung trả lời câu hỏi:
1. Gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, trong đó có việc định giá thương hiệu Hãng phim truyện bằng 0. Xin ông có thể cho biết, trong luật việc định giá trị thương hiệu bằng 0 như Hãng phim truyện có hợp lý không?
Trong hệ thống các văn bản pháp quy của Nhà nước hiện nay, việc định giá thương hiệu được quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP, ngày 18/7/2011, về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; và tại Thông tư 127/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, ngày 5/9/2014, Hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Theo Khoản 1, Điều 32, Nghị định 59/2011/NĐ-CP, giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển.
Trong đó “Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm, bao gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web.” (Theo quy định tại khoản 7 Điều 18 Thông tư 127/2014/TT-BTC).
Như vậy theo quy định của pháp luật hiện hành thì nếu như trong vòng 5 năm kể từ trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Hãng Phim truyện Việt Nam không chứng minh có các chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty, xây dựng trang web…thì việc xác định giá trị thương hiệu bằng 0 là không trái quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, với một hãng phim đã tồn tại gần 60 năm, có nhiều đóng góp lớn cho điện ảnh nước nhà bị định giá là 0 đồng một cách phũ phàng như vậy cũng cho thấy những thiếu sót của các quy định pháp luật khi bề dày lịch sử cũng như những giá trị lớn lao mà hãng phim mang lại không được công nhận. Trong suốt quá trình hoạt động, hãng phim đã cho ra đời nhiều bộ phim kinh điển, làm rạng danh điện ảnh nước nhà như Những Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười… và còn rất nhiều bộ phim đã trở thành liều thuốc tinh thần cho quân và dân ta trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng hàng triệu người dân Việt Nam. Có thể thấy, với hơn 400 tác phẩm điện ảnh của hãng phim thực sự là kết tinh của cả tài năng, tâm huyết, mồ hôi nước mắt, thậm chí là máu của biết bao thế hệ nghệ sĩ suốt hơn nửa thế kỷ.
2. Sở hữu hơn 5.000m2 đất vàng gần Hồ Tây, tuy nhiên giá trị khi định giá Hãng phim truyện chỉ khoảng 20 tỷ đồng, do đất của Hãng phim là đất thuê của nhà nước nên không được tính vào giá trị trước khi cổ phần hóa. Vậy, việc đất thuê thì không được định giá, điều này có đúng không?
Theo Luật Ðất đai 2013, Nhà nước chỉ giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với đất ở, còn các trường hợp khác phải thuê đất theo 2 cách trả tiền thuê đất 1 lần hoặc hàng năm.
Tại Điểm 6 Khoản 6 Điều 1 Nghị định 189/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ về CPH DNNN, quy định “đối với diện tích đất thuê theo phương thức trả tiền thuê đất hàng năm, DN được tiếp tục thực hiện thuê đất trả tiền hàng năm theo quy định của pháp luật hiện hành và không tính tiền thuê đất vào giá trị DN”
Như vậy đối với diện tích đất thuê theo phương thức trả tiền thuê đất hàng năm sẽ không được đưa vào định giá giá trị doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng cần tính đến lợi thế của đất, tại các địa điểm vàng khi định giá, trong luật hiện có quy định này chưa. Vấn đề này cần được hiểu như thế nào?
Pháp luật chưa có các quy định liên quan đến lợi thế của đất khi định giá trong khi đó hiện nay, có rất nhiều DN đang được quản lý sử dụng hàng loạt địa điểm “đất vàng” có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhưng lại có giá trị DN “bèo bọt”. Rõ ràng đã có một khoản chênh lệch rất lớn giữa giá trị thực tế và giá trị doanh nghiệp được định giá theo quy định pháp luật và ai có thể chắc chắn rằng những lợi thế mà quỹ đất mang lại sẽ không rơi vào tay của các cổ đông. Những lợi thế từ đất luôn là một tiêu chí hàng đầu mà các nhà đầu tư quan tâm. Việc cổ phần hóa mà không hướng tới lợi thế từ đất chắc chắn sẽ không đảm bảo tính khách quan, làm thất thoát tài sản của Nhà nước bởi chính Nhà nước đang tự trao cho các cổ đông những giá trị vô cùng lớn trên chính đất của mình sở hữu.
Được biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Nghị định này đang được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nói riêng trong thời gian tới có hiệu quả, ngăn chặn thất thoát vốn, chống tham nhũng, tiêu cực trong cổ phần hóa, trong đó đặc biệt quy định tính giá trị lợi thế quyền được thuê đất, được giao đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
4. Việc không định giá đất thuê trong quá trình cổ phần hóa, liệu có gây thất thoát tài sản của nhà nước?
Rõ ràng việc không định giá đất thuê trong quá trình cổ phần hóa sẽ gây nên việc thất thoát tài sản của Nhà nước bởi các doanh nghiệp sẽ lợi dụng kẽ hở này để “ôm” toàn bộ diện tích đất đang quản lý nhằm trục lợi mặc dù không có khả năng phát triển nhưng vẫn muốn nắm quyền thâu tóm doanh nghiệp cổ phần hóa.
5. Nhiếu ý kiến cho rằng, việc mua Hãng phim truyện với mức giá hơn 32 tỷ đồng, với diện tích hơn 5.000m2 là quá rẻ, Dự trên những căn cứ pháp luật, ông đánh giá như thế nào về việc cổ phần này?
Thực chất sự việc sẽ không trở nên căng thẳng nếu như việc cổ phần hóa đảm bảo được lợi ích của các công nhân viên chức đang làm việc tại đây. Có thể thấy những lỗ hổng pháp luật chưa được hoàn thiện liên quan đến việc định giá cũng khiến cho vấn đề này gặp nhiều khó khăn và bức xúc. Việc cổ phần hóa nhằm khôi phục và phát triển hãng phim nhưng lại giao cho một đơn vị không có chuyên môn về lĩnh vực này đó là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) dường như khó có thể đạt được hiệu quả và có nguy cơ làm hãng phim “mất tích” trên thực tế