05 chính sách có hiệu lực từ tháng 5/2024: Thành lập 02 thành phố mới; ban hành quy chế cuộc thi STEM

Chủ đề   RSS   
  • #610847 23/04/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 467 lần


    05 chính sách có hiệu lực từ tháng 5/2024: Thành lập 02 thành phố mới; ban hành quy chế cuộc thi STEM

    05 chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 05/2024, trong đó có 02 Nghị quyết thành lập thành phố Bến Cát và thành phố Gò Công, 01 Thông tư ban hành quy chế cuộc thi STEM dành cho học sinh THCS, THPT,...và 02 Thông tư khác cũng có hiệu lực trong tháng 05/2024.

    1. Nghị quyết 1012/NQ-UBTVQH15 năm 2024 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

    Nghị quyết 1012/NQ-UBTVQH15 năm 2024 thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có hiệu lực từ 01/5/2024

    Cụ thể, tại Điều 1 Nghị quyết 1012/NQ-UBTVQH15 nêu rõ:

    - Thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát:

    + Thành lập phường An Điền trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 31,22 km2 và quy mô dân số là 25.363 người của xã An Điền.

    Phường An Điền giáp các phường An Tây, Mỹ Phước, Thới Hòa, xã Phú An; huyện Bàu Bàng và huyện Dầu Tiếng;

    + Thành lập phường An Tây trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 44,01 km2 và quy mô dân số là 41.917 người của xã An Tây.

    Phường An Tây giáp phường An Điền, xã Phú An; huyện Dầu Tiếng và Thành phố Hồ Chí Minh.

    - Thành lập thành phố Bến Cát trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 234,35 km2 và quy mô dân số là 364.578 người của thị xã Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.

    Thành phố Bến Cát giáp thành phố Tân Uyên, thành phố Thủ Dầu Một, các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Thành phố Hồ Chí Minh.

    - Sau khi thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương:

    + Thành phố Bến Cát có 08 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 07 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An;

    +Tỉnh Bình Dương có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 04 huyện và 05 thành phố; 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 39 xã, 47 phường và 05 thị trấn.

    2. Nghị quyết 1013/NQ-UBTVQH15 năm 2024 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

    Nghị quyết 1013/NQ-UBTVQH15 năm 2024 sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập Thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.

    Nội dung trọng tâm của Nghị quyết 1013/NQ-UBTVQH15 là quyết nghị về việc sắp xếp đơn vị hành chính, thành lập 04 phường mới, thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang

    Tại Điều 1 Nghị quyết 1013/NQ-UBTVQH15 năm 2024 nêu rõ:

    - Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Gò Công như sau:

    + Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 1,36 km2 và quy mô dân số là 10.228 người của Phường 4 vào Phường 1. Sau khi nhập, Phường 1 có diện tích tự nhiên là 1,81 km2 và quy mô dân số là 19.589 người.

    Phường 1 giáp Phường 2, Phường 5, phường Long Chánh và phường Long Hưng;

    + Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 1,09 km2 và quy mô dân số là 9.992 người của Phường 3 vào Phường 2. Sau khi nhập, Phường 2 có diện tích tự nhiên là 1,80 km2 và quy mô dân số là 19.500 người.

    Phường 2 giáp Phường 1, Phường 5, phường Long Hưng và phường Long Thuận.

    - Thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công như sau:

    + Thành lập phường Long Chánh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 7,87 km2 và quy mô dân số là 8.596 người của xã Long Chánh.

    Phường Long Chánh giáp Phường 1, phường Long Hòa, phường Long Hưng, xã Bình Xuân, xã Tân Trung và huyện Gò Công Tây;

    + Thành lập phường Long Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,59 km2 và quy mô dân số là 10.380 người của xã Long Hòa.

    Phường Long Hòa giáp Phường 5, phường Long Chánh, phường Long Thuận; huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây;

    + Thành lập phường Long Hưng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,51 km2 và quy mô dân số là 11.201 người của xã Long Hưng.

    Phường Long Hưng giáp Phường 1, Phường 2, phường Long Chánh, phường Long Thuận, xã Tân Trung và huyện Gò Công Đông;

    + Thành lập phường Long Thuận trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,45 km2 và quy mô dân số là 11.538 người của xã Long Thuận.

    Phường Long Thuận giáp Phường 2, Phường 5, phường Long Hòa, phường Long Hưng và huyện Gò Công Đông.

    - Thành lập thành phố Gò Công trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 101,69 km2 và quy mô dân số là 151.937 người của thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.

    Thành phố Gò Công giáp huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và tỉnh Long An.

    - Sau khi sắp xếp, thành lập các phường và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang:

    + Thành phố Gò Công có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường: Phường 1, Phường 2, Phường 5, Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận và 03 xã: Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung;

    + Tỉnh Tiền Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 08 huyện, 01 thị xã và 02 thành phố; 170 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 138 xã, 24 phường và 08 thị trấn.

    3. Thông tư 02/2024/TT-TTCP do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành

    Thông tư 02/2024/TT-TTCP về Quy định xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thanh tra" do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/5/2024. 

    Trong Thông tư 02/2024/TT-TTCP quy định về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương; trình tự ,thủ tục xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”

    Tại Điều 6 Thông tư 02/2024/TT-TTCP quy định về các điều kiện, tiêu chuẩn được xét tặng Kỷ niệm chương như sau:

    -Cá nhân là lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có thời gian giữ chức vụ từ đủ 04 năm trở lên tính đến ngày 01/9 của năm đề nghị xét tặng.

    - Cá nhân công tác trong các cơ quan thanh tra có thời gian công tác liên tục từ đủ 10 năm trở lên tính đến ngày 01/9 của năm đề nghị xét tặng.

    Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có thời gian làm công tác thanh tra liên tục từ đủ 20 năm trở lên tính đến ngày 01/9 của năm đề nghị xét tặng.

    - Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư này:

    + Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Thanh tra;

    + Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại điểm b, điểm c, điểm d phải có thời gian giữ chức vụ ít nhất từ đủ 05 năm trở lên và có ít nhất 04 năm phụ trách hoặc theo dõi công tác thanh tra;

    + Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại các điểm đ, điểm e, điểm g phải có thời gian giữ chức vụ ít nhất từ đủ 10 năm trở lên và có ít nhất 08 năm phụ trách hoặc theo dõi công tác thanh tra.

    - Các trường hợp khác do Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định.

    4. Thông tư 04/2024/TT-BCT sửa đổi Thông tư 20/2014/TT-BCT do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

    Thông tư 04/2024/TT-BCT sửa đổi Thông tư 20/2014/TT-BCT thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc do Bộ Công Thương ban hành, có hiệu lực từ ngày 11/05/2024.

    Các nội dung chính có trong Thông tư 04/2024/TT-BCT bao gồm: sửa đổi, bổ sung một số điều của các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 20/2014/TT-BCT; sửa tên gọi của Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc.

    Cụ thể, tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 04/2024/TT-BCT sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 Phụ lục V (Thủ tục cấp và kiểm tra C/O) ban hành kèm theo Thông tư 20/2014/TT-BCT như sau:

    “1. C/O phải làm trên khổ giấy A4, phù hợp với mẫu quy định tại Phụ lục VI-A và được gọi là C/O mẫu AK. C/O mẫu AK phải được làm bằng tiếng Anh” (Khoản 1 Điều 5 Phụ lục V Thông tư 20/2014/TT-BCT

    Sửa đổi thành:

    “1. C/O theo quy định đáp ứng các điều kiện sau:

    a) Ở dạng bản giấy được in ra có chữ ký, con dấu cấp theo hình thức cấp tay hoặc có chữ ký, con dấu cấp dưới dạng điện tử của các Tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu;

    b) Làm trên khổ giấy A4;

    c) Phù hợp với mẫu quy định tại Phụ lục VI-A ban hành kèm theo Thông tư 20/2014/TT-BCT và được gọi là C/O mẫu AK;

    d) Được khai bằng tiếng Anh.”

    Bên cạnh đó, tại Điều 2 Thông tư 04/2024/TT-BCT quy định sửa tên gọi của Hiệp định, cụ thể:

    Sửa đổi tên gọi “Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc” thành “Hiệp định Thương mại Hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Hàn Quốc”.

    5. Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

    Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT về Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 27/5/2024.

    Nội dung của Thông tư chủ yếu là ban hành các quy định chung của cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia (STEM) cho học sinh cấp 2 và cấp 3; quy trình chấm thi và chọn đội tuyển dự thi quốc tế; trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến cuộc thi.

    Cụ thể, tại Điều 4 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT đã nêu ra các yêu cầu đối với dự án thi như sau:

    - Bảo đảm tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hoặc trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là kết quả nghiên cứu của mình.

    - Thời gian nghiên cứu của dự án dự thi không quá 12 tháng liên tục và trong khoảng từ tháng 01 năm liền kề trước năm tổ chức Cuộc thi đến trước ngày khai mạc Cuộc thi 30 ngày.

    - Dự án tập thể không được phép đổi thành viên khi đã bắt đầu thực hiện dự án. Kết quả thực hiện dự án phải thể hiện được sự đóng góp của từng thành viên.

    - Dự án nghiên cứu về các mầm bệnh, hóa chất độc hại hoặc các chất gây ảnh hưởng xấu đến môi trường không được tham gia Cuộc thi.

    - Dự án dự thi phải được cơ sở giáo dục nơi học sinh đang học phê duyệt, đánh giá và được đơn vị dự thi quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy chế này tổ chức lựa chọn theo quy định tại Điều 12 của Quy chế này.

    - Dự án dự thi phải bảo đảm yêu cầu về trưng bày theo quy định của Ban chỉ đạo Cuộc thi.

    Điều kiện đối với thí sinh và người hướng dẫn dự thi được quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT:

    - Thí sinh dự thi phải có đủ các điều kiện sau:

    + Là học sinh lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11, lớp 12;

    + Tự nguyện tham gia và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi;

    + Có kết quả học tập, rèn luyện học kỳ I (nếu Cuộc thi được tổ chức trong học kỳ II) hoặc năm học liền kề trước năm học tổ chức Cuộc thi (nếu Cuộc thi được tổ chức trong học kỳ I) đạt từ mức khá trở lên;

    + Mỗi thí sinh chỉ được tham gia 01 (một) dự án dự thi trong 01 (một) lần tổ chức Cuộc thi.

    - Người hướng dẫn nghiên cứu

    + Mỗi dự án dự thi có ít nhất 01 (một) người hướng dẫn nghiên cứu là giáo viên, nhân viên có chuyên môn phù hợp với dự án dự thi đang làm việc tại cơ sở giáo dục nơi thí sinh đang học.

    + Mỗi người hướng dẫn nghiên cứu chỉ được hướng dẫn 01 (một) dự án dự thi trong 01 (một) lần tổ chức Cuộc thi.

    Cuộc thi diễn ra mỗi năm 01 lần, thời gian, địa điểm cuộc thi sẽ được thông báo tại văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Điều 6 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT)

    Trên đây là một số chính sách bắt đầu có hiệu lực trong tháng 05/2024, gửi tới bạn đọc cùng tham khảo.

     
    1120 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (02/05/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận