Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gãy đổ thuộc về ai?

Chủ đề   RSS   
  • #548379 03/06/2020

    Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gãy đổ thuộc về ai?

    Căn cứ Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

    Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.”

    Căn cứ Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

    [...]

    2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

    […]”

    Đồng thời, căn cứ Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

    […]

    1. […]

    Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

    Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

    […]”

    => Như vậy, khi bị thiệt hại do cây xanh gãy đổ khi đậu xe bên đường thì có thể yêu cầu Công ty quản lý cây xanh bồi thường thiệt hại căn cứ quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015;

    Tuy nhiên, trong trường hợp dù thiệt hại có xảy ra nhưng người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015;

    Để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem Công ty quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…). Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.

    Căn cứ Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định:

    Điều 11. Quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị

    1. Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    2. Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.

    3. Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.

    4. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.”

    => Như vậy, trách nhiệm của Công ty quản lý cây xanh là phải thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa, chặt hạ những phần thân cây mang tính chất rủi ro tiềm tàng. Trong trường hợp không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây đổ, gãy gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

     
    2989 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận