Một số nội dung lưu ý về thuế GTGT khi quyết toán thuế năm 2017

Chủ đề   RSS   
  • #487513 20/03/2018

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    Một số nội dung lưu ý về thuế GTGT khi quyết toán thuế năm 2017

    Thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015, Thông tư số 193/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015, Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016,  Thông tư số 173/2016/TT-BTC ngày 28/10/2016 và Thông tư số 93/2017/TT-BTC ngày 19/9/2017 của Bộ Tài chính về thuế GTGT. Khi thực hiện quyết toán thuế năm 2017 cần lưu ý một số nội dung sau:

    Về đối tượng không chịu thuế GTGT.
     
    a/ Thuế GTGT đối với hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng đường thủy.
     
    Căn cứ khoản 3 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ sửa đổi khoản 6 điều 3 Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT.
     
    Chỉ có hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện (bao gồm cả tàu điện) theo các tuyến trong nội tỉnh, trong đô thị và các lân cận ngoại tỉnh theo quy định của pháp luật về giao thông mới thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Do đó hoạt động hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng đường thủy hiện hành phải áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.  
     
    (Công văn số 4726/TCT-CS ngày 13/10/2017 của TCT về thuế GTGT.) 
     
    b/ Về máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
     
    Các loại máy móc thiết bị: Máy ép củi trấu; dây chuyền, thiết bị đồng bộ sản xuất bột cá; máy sàng nông sản dùng trong công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi (máy sàng rung phân loại viên cám thành phẩm, bao gồm lưới sàng để lọc bụi và cám kích cỡ lớn hơn tiêu chuẩn và bộ rung để lọc thành phẩm) là máy móc thiết bị chuyên dùng sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
    Vật tư cung cấp và thi công nhà màng không là máy móc thiết bị chuyên dùng sản xuất nông nghiệp nên phải áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.
     
    (Công văn số 3233/BTC-CST ngày 13/03/2017 của BTC về thuế GTGT đối với máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp).
     
    c/ Thuế GTGT đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi là dịch cá.
     
    Trường hợp dịch cá được xác định là sản phẩm thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường do Công ty A tự sản xuất thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
     
    Trường hợp Công ty A có hồ sơ đăng ký sản phẩm dịch cá là thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi và Khoản 2, Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 50/2014/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì sản phẩm dịch cá thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.
     
    (Công văn số 5285/TCT-CS ngày 16/11/2017 của TCT về thuế GTGT)
     
    d/ Thuế GTGT đối với thiết bị phân tích sữa.
     
    Theo đó, thiết bị phân tích sữa tươi nguyên liệu, nhà sản xuất: FOSS ANALYTICAL, nước sản xuất: Đan Mạch, Model: MilkoScanTM Mars là máy, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. 
     
    Hóa chất, chất tẩy rửa và bộ dụng cụ bảo trì máy (6 tháng thay một lần) không phải là máy, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp nên thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định.
     
    (Công văn số 7095/BTC-CST ngày 30/05/2017 của BTC)
     
    e/ Thuế GTGT đối với máy bóc vỏ hạt sen.
     
    Trường hợp Công ty nhập khẩu máy bóc vỏ hạt sen (sử dụng để bóc lớp vỏ của hạt sen) thì được xác định là máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).
     
    (Công văn số 13305/BTC-CST ngày 04/10/2017 của BTC)     
     
    Nguồn: Tạp chí Thuế 
      
    (Còn tiếp)
     
    6154 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #487514   20/03/2018

    trang_u
    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    2. Về trường hợp không phải tính kê khai nộp thuế GTGT.
     
    Lưu ý một số điểm như sau:
     
    a/ Về thuế GTGT đối với sản phẩm ghẹ thịt, sản phẩm cá ngừ.
     
    Quy trình sản phẩm ghẹ thịt: ghẹ nguyên liệu đem luộc, gỡ thịt rồi ướp lạnh đem bán. 
     
    Quy trình sản phẩm cá ngừ: cá nguyên liệu đem hấp chín (nhiệt độ từ 87 độ C đến 92 độ C thời gian hấp từ 45 phút đến 65 phút), tách lấy thịt rồi đem cấp đông (nhiệt độ < 40 độ C), đóng gói, bảo quản rồi đem xuất bán.
     
    Các sản phẩm ghẹ thịt, sản phẩm cá ngừ được thực hiện theo quy trình nêu trên thì khi doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán các sản phẩm nêu trên cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải tính kê khai nộp thuế GTGT. 
     
    (Công văn số 339/TCT-CS ngày 25/01/2017 của TCT về thuế GTGT) 
     
    b/ Về thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
     
    Hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT đã hoàn thành một phần đã đi vào hoạt động có doanh thu, chuyển nhượng cho doanh nghiệp hợp tác xã thì thuộc trường hợp không phải tính và kê khai nộp thuế GTGT.
     
    (Công văn số 11858/BTC-CST ngày 06/09/2017 của BTC về chính sách thuế GTGT đối với chuyển nhượng dự án đầu tư và phân bổ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu)
     
    c/ Đối với hoạt động kinh doanh đại lý xổ số tự chọn.
     
    Hoạt động đại lý xổ số của Công ty Vietlott do các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng hợp tác kinh doanh để triển khai điểm bán vé xổ số tự chọn theo hình thức bán đúng giá và hưởng thù lao từ nguồn hoa hồng đại lý thì số tiền thù lao mà các tổ chức hoặc cá nhân được hưởng không phải khai, nộp thuế GTGT.
     
    (Công văn số 5318/TCT-DNL ngày 17/11/2017 của TCT và thay thế công văn số 4361/TCT-DNL ngày 26/9/2017 của TCT)
     
    3. Về giá tính thuế GTGT
     
    a/ Chính sách thuế đối với hàng cho biếu, tặng từ quỹ phúc lợi.
     
    - Trường hợp công ty sử dụng sản phẩm do chính công ty sản xuất ra hoặc hàng hóa do công ty mua về với mục đích để bán, sau đó sử dụng một phần để cho, biếu, tặng cán bộ công nhân viên của công ty trong dịp lễ, tết và trang trải bằng quỹ phúc lợi thì công ty được kê khai khấu trừ thuế GTGT theo quy định và phải xuất hóa đơn, tính nộp thuế GTGT như trường hợp bán hàng hóa cho khách hàng.
     
    - Trường hợp công ty sử dụng quỹ phúc lợi mua hàng hóa từ bên ngoài để cho, biếu, tặng cán bộ, công nhân viên của công ty trong dịp lễ, tết không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Khi xuất hàng hóa nêu trên để cho, biếu, tặng cán bộ, công nhân viên, công ty không phải lập hóa đơn và không được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
     
    (Công văn số 834/TCT-DNL ngày 14/03/2017 của TCT)
     
    b/ Về việc lập hóa đơn GTGT đối với quà tặng hội nghị khách hàng.
     
    - Trường hợp Công ty tổ chức hội nghị khách hàng và tặng quà lưu niệm cho khách, việc tổ chức hội nghị của Công ty có chương trình, kế hoạch và danh sách khách mời cụ thể thì khi kết thúc hội nghị, Công ty được lập một hóa đơn GTGT tổng giá trị quà tặng cho khách hàng, trên hóa đơn nêu rõ quà tặng hội nghị khách hàng.
     
    (Công văn số 1284/TCT-DNL ngày 05/04/2017 của TCT)
     
    -  Khi tặng quà cho khách hàng vào dịp lễ, tết, hội nghị khách hàng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải lập hóa đơn, tính kê khai nộp thuế GTGT như bán hàng hóa cho khách hàng. Trường hợp Công có phát sinh việc tặng quà khách hàng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn thì cuối mỗi ngày công ty lập chung một hóa đơn GTGT ghi số tiền thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định (không phân biệt giá trị quà tặng trên 200.000đ hay dưới 200.000đ).
     
    (Công văn số 5483/TCT-DNL ngày 28/11/2017 của TCT)
     
    c/ Thuế GTGT đối với đối với hàng hóa quảng cáo, hàng biếu tặng của ngân hàng.
     
    Trường hợp ngân hàng sử dụng hàng hóa để quảng cáo, cho, biếu, tặng khách hàng, phục vụ đồng thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT thì thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do đơn vị tự sản xuất) sử dụng để quảng cáo, cho, biếu, tặng khách hàng được khấu trừ theo tỷ lệ nếu đáp ứng điều kiện khấu trừ theo quy định. Khi thực hiện việc quảng cáo, cho, biếu, tặng hàng hóa thì ngân hàng phải lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT với giá tính thuế của hàng hóa cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này và kê khai, nộp thuế GTGT đầu ra theo hướng dẫn tại Khoản 9 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC và Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
     
    (Công văn số 5367/TCT-DNL ngày 22/11/2017 của TCT)
     
     d. Giá tính thuế GTGT đối với nhận tiền hỗ trợ cước vận chuyển.
     
    Căn cứ công văn số 208/TCT-DNL ngày 17/01/2017 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế GTGT đối với khoản tiền hỗ trợ cước phí vận chuyển.
     
    Trường hợp cơ sở kinh doanh hỗ trợ cước phí vận chuyển cho các đại lý là nhà phân phối nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm thì khi nhận tiền các đại lý phải lập hóa đơn GTGT kê khai nộp thuế GTGT theo quy định. 
     
    4. Thuế suất 0%.
     
    a/ Thuế GTGT áp dụng đối với dịch vụ hoa tiêu cung cấp cho tổ chức nước ngoài hoặc thông qua đại lý tàu biển.
     
    - Đối với doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ hoa tiêu trực tiếp cho tổ chức ở nước ngoài hoặc thông qua đại lý có đủ chứng từ chứng minh đáp ứng các điều kiện tại Điểm d2 Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì áp dụng thuế suất GTGT 0%.
     
    - Đối với dịch vụ hoa tiêu để nạo vét luồng lạch không phải là dịch vụ thực hiện tại cảng là không đáp ứng điều kiện tại Điểm d2 Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì áp dụng thuế suất GTGT 0%.
     
    (Công văn số 1750/TCT-CS ngày 03/05/2017 của TCT về thuế GTGT)
     
    b/ Thuế GTGT đối với dịch vụ cung cấp cho tổ chức nước ngoài.
     
    Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường, nghiên cứu xã hội học cho khách hàng ở nước ngoài, kết quả dịch vụ được chuyển cho khách hàng ở nước ngoài và nếu dịch vụ được xác định là tiêu dùng ngoài Việt Nam và công ty đáp ứng điều kiện có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì dịch vụ cung cấp được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%. 
     
    (Công văn số 5294/TCT-CS ngày 16/11/2017 của TCT về thuế GTGT)
     
    c/ Thuế GTGT đối với sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên khoáng sản. 
     
    Trường hợp sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước , nếu tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thì sản phẩm xuất khẩu này không được áp dụng thuế suất 0%.
     
     Trường hợp sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc nhập khẩu thì sản phẩm xuất khẩu này không thuộc đối tượng phải tính trị giá tài nguyên khoáng sản, nếu đáp ứng điều kiện theo quy định thì được áp dụng thuế suất 0%.
     
     (Công văn số 15044/BTC-CST ngày 07/11/2017 của Bộ Tài chính về thuế GTGT đối với sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên khoáng sản).
     
    d. Thuế GTGT của các hoạt động liên quan đến vận tải quốc tế.
     
    Trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ kiểm tra, khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa các phương tiện, thiết bị liên lạc vô tuyến hàng hải và các thiết bị hỗ trợ hàng hải cho tàu biển quốc tế; cung cấp và thay thế các linh kiện, phụ tùng phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị của tàu biển cho các hãng tàu biển quốc tế thì để được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu, Công ty phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
     
    (Công văn số 3164/TCT-CS ngày 17/07/2017 của TCT)
     
    e/ Thuế GTGT đối với các khoản phụ thu theo cước vận chuyển quốc tế.
     
    Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán cước vận tải quốc tế thu gom hàng lẻ từ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, là đơn vị trực tiếp đặt chỗ thuê tàu vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp trực tiếp xuất, nhập khẩu; đứng tên trên vận đơn đường biển và trực tiếp thanh toán cước vận tải, phụ thu theo cước cho hãng tàu (bao gồm 11 khoản phụ thu được coi là giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển như liệt kê tại Công văn số 6142/BTC-CST ngày 09/5/2016 của Bộ Tài chính) thì được xác định như doanh thu từ vận tải quốc tế và và áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng các quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
     
    (Công văn số 2083/TCT–CS ngày 19/05/2017 của TCT về thuế GTGT).
     
    (Còn tiếp)
     
    Báo quản trị |  
  • #487593   21/03/2018

    trang_u
    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    5. Thuế suất 5%, 10%.
    a/ Thuế suất thuế GTGT đối với hoạt động gia công, sơ chế thủy, hải sản.
     
    Hoạt động nhận ghẹ nguyên liệu đem luộc, gỡ thịt, ướp lạnh thì đây là hoạt động gia công, sơ chế thủy, hải sản, doanh thu dịch vụ thu được thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo thuế suất là 5%. (Công văn số 5018/TCT-CS của TCT về chính sách thuế GTGT).
     
    b/ Thuế GTGT đối với sản phẩm gỗ.
     
    - Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
    - Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do DN, HTX nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho DN, HTX thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, trường hợp bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.
    - Sản phẩm gỗ đã qua chế biến như: gỗ ván, gỗ tấm, dăm gỗ áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%. (Công văn số 2038/TCT–CS của TCT)
     
     6. Khấu trừ thuế GTGT.
     
    6.1/ Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp mua hàng hóa dịch vụ trả chậm.
     
    - Khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ trả chậm giai đoạn từ ngày 1/01/2014 đến trước ngày 15/11/2014 (ngày Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 có hiệu lực thi hành).
     
    Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT, cụ thể:
     
    Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng, hóa đơn GTGT và chứng từ không dùng tiền mặt của hàng hóa, dịch vụ mua trả góp để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc đến ngày 31/12 hàng năm đối với trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31 tháng 12, nếu không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và phải kê khai, điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ. 
     
    - Khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ trả chậm giai đoạn từ ngày 15/11/2014.
     
    Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15/11/2014) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định; Tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ, Điều 10 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC; Tại điểm c Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính cụ thể:
     
    Để cắt giảm thủ tục hành chính giúp người nộp thuế không còn phải điều chỉnh nhiều lần việc tăng, giảm số thuế GTGT được khấu trừ, tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP đã không còn quy định “Đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc đến ngày 31/12 hàng năm đối với trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31/12, nếu không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và phải kê khai, điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ” (đã quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP) và tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP tiếp tục giữ nguyên nội dung thay thế nêu trên.
     
    Căn cứ quy định nêu trên, từ ngày 15/11/2014 khi Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 có hiệu lực thi hành thì trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
     
    Đến thời hạn thanh toán ghi trong hợp đồng cơ sở kinh doanh vẫn chưa thanh toán cho khách hàng nên chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh chưa phải điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã kê khai khấu trừ.
     
    Khi thanh toán thực tế, nếu cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng (thanh toán bằng tiền mặt hoặc các hình thức không được xác định là thanh toán quan ngân hàng) thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ tương ứng với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt. (Công văn số 1634/TCT-CS  ngày 25/04/2017, văn bản số 1637/TCT-CS ngày 25/04/2017 của TCT  về chính sách thuế).
     
    6.2/ Thuế GTGT đầu vào đủ điều kiện khấu trừ nhưng không khấu trừ của DN.
     
    Trường hợp người nộp thuế có số thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ đủ điều kiện khấu trừ thì được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó. Không có quy định DN được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với số thuế GTGT đầu vào đủ điều kiện khấu trừ nhưng không kê khai khấu trừ. (Công văn số 5475/TCT-DNL ngày 28/11/2017 của TCT).
     
    6.3/ Thuế GTGT đối với khoản tiền thuê nhà trả cho chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam.
     
    Trường hợp công ty tại Việt Nam được công ty mẹ ở nước ngoài cử chuyên gia người nước ngoài sang Việt Nam công tác; theo thư bổ nhiệm của Công ty mẹ, các chuyên gia người nước ngoài là nhân viên của công ty mẹ và được công ty mẹ trả lương, công ty tại Việt Nam chi trả các khoản phụ cấp theo chi phí thực tế phát sinh tại Việt Nam bao gồm cả chi phí thuê nhà thì thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam do công ty tại Việt Nam chi trả được khấu trừ. (Công văn số 3888/TCT-CS ngày 28/08/2017 của TCT)
     
    6.4/ Ủy quyền thanh toán bằng thẻ tín dụng của cá nhân. 
     
    Trường hợp DN ủy quyền cho cá nhân là người lao động của DN sử dụng thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng mang tên cá nhân để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ cho người bán sau đó về thanh toán lại với DN nếu có đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh hàng hóa, dịch vụ được sử dụng cho hoạt động SXKD của DN gồm: Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ mang tên DN; Hồ sơ liên quan đến việc ủy quyền của DN cho cá nhân thanh toán với người bán và thanh toán lại với DN; chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của DN cho cá nhân và chứng từ chuyển tiền từ thẻ của cá nhân cho người bán thì DN được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào và được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. (Công văn số 3977/TCT-DNL ngày 05/09/2017 của TCT)
     
    6.5/ Chi nhánh sử dụng tài khoản ngân hàng của trụ sở chính thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ, thuế GTGT đầu vào vẫn được khấu trừ. 
     
    Trường hợp chi nhánh DN sử dụng tài khoản ngân hàng của DN để giao dịch mua bán với khách hàng theo quy định của pháp luật về ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán, chi nhánh có thông báo đầy đủ tới khách hàng và trong Hợp đồng, Phụ lục hợp đồng mua bán có quy định cụ thể về điều kiện thanh toán ủy quyền này thì Bên mua được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu đảm bảo nguyên tắc và thỏa mãn điều kiện theo quy định. (Công văn số 1224/TCT-CS ngày 31/03/2017 của TCT)
     
    7. Về phương pháp tính thuế GTGT.
     
    Ngày 19/09/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 93/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính) như
    sau:
     
    a) Bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT để đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với CSKD mới thành lập và CSKD đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng. Theo đó, từ ngày 05/11/2017, nếu các DN có doanh thu tính thuế GTGT dưới 1 tỷ đồng/năm thì không phải nộp Thông báo phương pháp tính thuế GTGT (mẫu 06/GTGT) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
     
    Trước: 
     
    CSKD mới thành lập và CSKD đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng phải gửi Mẫu 06/GTGT đến cơ quan thuế để đăng áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Trường hợp không gửi Mẫu 06/GTGT đến cơ quan thuế thì kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.
     
    b) Bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT khi chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT.
     
    Trước:
     
    Khi chuyển đổi áp dụng các phương pháp tính thuế GTGT (từ phương pháp trực tiếp sang phương pháp khấu trừ và ngược lại) thì CSKD phải nộp Mẫu 06/GTGT đến cơ quan thuế.
     
    c) Bổ sung hướng dẫn phương pháp tính thuế GTGT của CSKD xác định theo Hồ sơ khai thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư số 119/2014/TTBTC ngày 25/8/2014 và Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính).
     
    Như vậy, kể từ ngày Thông tư số 93/2017/TT-BTC có hiệu lực: Việc xác định phương pháp tính thuế GTGT căn cứ theo Hồ sơ khai thuế GTGT do CSKD gửi đến cơ quan thuế, cụ thể:
     
    - Nếu CSKD đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.
     
    - Nếu CSKD đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 04/GTGT đến cơ quan thuế.
     
     8. Về hoàn thuế GTGT. 
     
    8.1/ Về việc hoàn thuế GTGT khi chuyển thành DN chế xuất.
     
    Trường hợp DN được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chuyển thành DN chế xuất thì được hoàn lại số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế. (Công văn số 1682/TCT-CS ngày 27/04/2017 của TCT về hoàn thuế GTGT).
     
    8.2/ Về việc hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu.
     
    Tại điểm 4b Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016 của Bộ Tài chính quy định: cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu.
     
    Trường hợp một DN mua mặt hàng thiết có nguồn gốc nhập khẩu có hàm lượng 99,75%, sau đó đem điện phân nâng cao hàm lượng lên 99,95% sau đó xuất khẩu thì chưa đủ để xác định là hoạt động chế biến xuất khẩu để được hoàn thuế GTGT. (Công văn số 1081/TCT-CS ngày 24/03/2017 của TCT về thuế GTGT).

     

     
    Báo quản trị |