5. Thuế suất 5%, 10%.
a/ Thuế suất thuế GTGT đối với hoạt động gia công, sơ chế thủy, hải sản.
Hoạt động nhận ghẹ nguyên liệu đem luộc, gỡ thịt, ướp lạnh thì đây là hoạt động gia công, sơ chế thủy, hải sản, doanh thu dịch vụ thu được thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo thuế suất là 5%. (Công văn số 5018/TCT-CS của TCT về chính sách thuế GTGT).
b/ Thuế GTGT đối với sản phẩm gỗ.
- Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
- Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do DN, HTX nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho DN, HTX thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, trường hợp bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.
- Sản phẩm gỗ đã qua chế biến như: gỗ ván, gỗ tấm, dăm gỗ áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%. (Công văn số 2038/TCT–CS của TCT)
6. Khấu trừ thuế GTGT.
6.1/ Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp mua hàng hóa dịch vụ trả chậm.
- Khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ trả chậm giai đoạn từ ngày 1/01/2014 đến trước ngày 15/11/2014 (ngày Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 có hiệu lực thi hành).
Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT, cụ thể:
Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng, hóa đơn GTGT và chứng từ không dùng tiền mặt của hàng hóa, dịch vụ mua trả góp để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc đến ngày 31/12 hàng năm đối với trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31 tháng 12, nếu không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và phải kê khai, điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ.
- Khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ trả chậm giai đoạn từ ngày 15/11/2014.
Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15/11/2014) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định; Tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ, Điều 10 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC; Tại điểm c Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính cụ thể:
Để cắt giảm thủ tục hành chính giúp người nộp thuế không còn phải điều chỉnh nhiều lần việc tăng, giảm số thuế GTGT được khấu trừ, tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP đã không còn quy định “Đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc đến ngày 31/12 hàng năm đối với trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31/12, nếu không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và phải kê khai, điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ” (đã quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP) và tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP tiếp tục giữ nguyên nội dung thay thế nêu trên.
Căn cứ quy định nêu trên, từ ngày 15/11/2014 khi Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 có hiệu lực thi hành thì trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Đến thời hạn thanh toán ghi trong hợp đồng cơ sở kinh doanh vẫn chưa thanh toán cho khách hàng nên chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh chưa phải điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã kê khai khấu trừ.
Khi thanh toán thực tế, nếu cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng (thanh toán bằng tiền mặt hoặc các hình thức không được xác định là thanh toán quan ngân hàng) thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ tương ứng với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt. (Công văn số 1634/TCT-CS ngày 25/04/2017, văn bản số 1637/TCT-CS ngày 25/04/2017 của TCT về chính sách thuế).
6.2/ Thuế GTGT đầu vào đủ điều kiện khấu trừ nhưng không khấu trừ của DN.
Trường hợp người nộp thuế có số thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ đủ điều kiện khấu trừ thì được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó. Không có quy định DN được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với số thuế GTGT đầu vào đủ điều kiện khấu trừ nhưng không kê khai khấu trừ. (Công văn số 5475/TCT-DNL ngày 28/11/2017 của TCT).
6.3/ Thuế GTGT đối với khoản tiền thuê nhà trả cho chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam.
Trường hợp công ty tại Việt Nam được công ty mẹ ở nước ngoài cử chuyên gia người nước ngoài sang Việt Nam công tác; theo thư bổ nhiệm của Công ty mẹ, các chuyên gia người nước ngoài là nhân viên của công ty mẹ và được công ty mẹ trả lương, công ty tại Việt Nam chi trả các khoản phụ cấp theo chi phí thực tế phát sinh tại Việt Nam bao gồm cả chi phí thuê nhà thì thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam do công ty tại Việt Nam chi trả được khấu trừ. (Công văn số 3888/TCT-CS ngày 28/08/2017 của TCT)
6.4/ Ủy quyền thanh toán bằng thẻ tín dụng của cá nhân.
Trường hợp DN ủy quyền cho cá nhân là người lao động của DN sử dụng thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng mang tên cá nhân để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ cho người bán sau đó về thanh toán lại với DN nếu có đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh hàng hóa, dịch vụ được sử dụng cho hoạt động SXKD của DN gồm: Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ mang tên DN; Hồ sơ liên quan đến việc ủy quyền của DN cho cá nhân thanh toán với người bán và thanh toán lại với DN; chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của DN cho cá nhân và chứng từ chuyển tiền từ thẻ của cá nhân cho người bán thì DN được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào và được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. (Công văn số 3977/TCT-DNL ngày 05/09/2017 của TCT)
6.5/ Chi nhánh sử dụng tài khoản ngân hàng của trụ sở chính thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ, thuế GTGT đầu vào vẫn được khấu trừ.
Trường hợp chi nhánh DN sử dụng tài khoản ngân hàng của DN để giao dịch mua bán với khách hàng theo quy định của pháp luật về ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán, chi nhánh có thông báo đầy đủ tới khách hàng và trong Hợp đồng, Phụ lục hợp đồng mua bán có quy định cụ thể về điều kiện thanh toán ủy quyền này thì Bên mua được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu đảm bảo nguyên tắc và thỏa mãn điều kiện theo quy định. (Công văn số 1224/TCT-CS ngày 31/03/2017 của TCT)
7. Về phương pháp tính thuế GTGT.
Ngày 19/09/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 93/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính) như
sau:
a) Bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT để đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với CSKD mới thành lập và CSKD đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng. Theo đó, từ ngày 05/11/2017, nếu các DN có doanh thu tính thuế GTGT dưới 1 tỷ đồng/năm thì không phải nộp Thông báo phương pháp tính thuế GTGT (mẫu 06/GTGT) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trước:
CSKD mới thành lập và CSKD đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng phải gửi Mẫu 06/GTGT đến cơ quan thuế để đăng áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Trường hợp không gửi Mẫu 06/GTGT đến cơ quan thuế thì kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.
b) Bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT khi chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT.
Trước:
Khi chuyển đổi áp dụng các phương pháp tính thuế GTGT (từ phương pháp trực tiếp sang phương pháp khấu trừ và ngược lại) thì CSKD phải nộp Mẫu 06/GTGT đến cơ quan thuế.
c) Bổ sung hướng dẫn phương pháp tính thuế GTGT của CSKD xác định theo Hồ sơ khai thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư số 119/2014/TTBTC ngày 25/8/2014 và Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính).
Như vậy, kể từ ngày Thông tư số 93/2017/TT-BTC có hiệu lực: Việc xác định phương pháp tính thuế GTGT căn cứ theo Hồ sơ khai thuế GTGT do CSKD gửi đến cơ quan thuế, cụ thể:
- Nếu CSKD đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.
- Nếu CSKD đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 04/GTGT đến cơ quan thuế.
8. Về hoàn thuế GTGT.
8.1/ Về việc hoàn thuế GTGT khi chuyển thành DN chế xuất.
Trường hợp DN được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chuyển thành DN chế xuất thì được hoàn lại số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế. (Công văn số 1682/TCT-CS ngày 27/04/2017 của TCT về hoàn thuế GTGT).
8.2/ Về việc hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu.
Tại điểm 4b Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016 của Bộ Tài chính quy định: cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu.
Trường hợp một DN mua mặt hàng thiết có nguồn gốc nhập khẩu có hàm lượng 99,75%, sau đó đem điện phân nâng cao hàm lượng lên 99,95% sau đó xuất khẩu thì chưa đủ để xác định là hoạt động chế biến xuất khẩu để được hoàn thuế GTGT. (Công văn số 1081/TCT-CS ngày 24/03/2017 của TCT về thuế GTGT).