Tiếp tục tìm hiểu những sai phạm liên quan đến bớt xén tiền hỗ trợ Tết cho người nghèo, nhóm PV Tiền Phong phát hiện những thủ đoạn của cán bộ thôn, xã, trong đó không trừ cả việc đến tận nhà đòi lại tiền vừa phát cho người nghèo.
|
Nhà ông Ngô Thanh Tuấn thế này đã được “thoát nghèo” |
Bình Định: Người giàu hưởng lợi, cùng đinh ra rìa
Trung tuần tháng 2/2009, kết quả rà soát lại theo yêu cầu của chủ tịch UBND huyện Vân Canh (Bình Định) về việc người nghèo xã Canh Hiển bị bớt xén tiền Tết, cho thấy, toàn xã có 113 trường hợp sai sót gồm 40 đối tượng bị bỏ quên và 73 đối tượng lập thừa. Sau đó lại phát hiện thêm 15 hộ nghèo bị lọt sổ...
Canh Hiển có 239 hộ, 793 khẩu thuộc diện nghèo. Dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua, xã được cấp 156 triệu đồng từ nguồn của Chính phủ, chưa kể 21 tấn gạo được cấp phát thành hai đợt. Theo Chủ tịch UBND Xã Trần Phong Năng, quy trình xét chọn hộ nghèo được thực hiện công khai thông qua họp dân.
Nhưng từ ngày 23/1 (tức 28 tháng Chạp), khi tới nhận tiền, hàng chục hộ dân thôn Hiển Đông phản ứng dữ dội khi phát hiện danh sách do cán bộ LĐ-TB & XH xã lập có hộ Mai Ngọc Chấn (ba khẩu - 600.000 đồng).
Ông Chấn không ai khác hơn là em ruột của ông Mai Đại Đức - cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã, từ nhiều năm nay không còn sinh sống ở Hiển Đông. Chưa hết, một số người chết, nay sống lại để nhận tiền Tết và được cấp gạo, như các ông Nguyễn Nhiều, Nguyễn Huấn, Trần Điện...
Lại có gia đình ít người nhưng được bổ sung nhân khẩu để nhận tiền (Kiểu này chắc ...đẻ ảo?) sai quy định như hộ Lại Văn Sang một khẩu được hiệu chỉnh thành năm suất, hộ Nguyễn Thị Trà ba thành bốn, hộ Nguyễn Thị Ngọc Tú ba thành năm...
Con số 113 trường hợp sai sót, gồm 40 đối tượng bị bỏ quên và 73 đối tượng lập thừa, sau đó phúc tra lại phát hiện thêm 15 hộ nghèo lọt sổ, nhưng theo thừa nhận của Chủ tịch xã Trần Phong Năng, thì không dám chắc đó là con số cuối cùng.
Gia đình anh Ngô Thanh Tuấn sống trong túp lều xiêu vẹo, dột nát, hàng ngày cày thuê cuốc mướn vẫn không đủ gạo ăn, nhưng vẫn được liệt vào danh sách thoát nghèo để nhường suất cho người khác.
Tương tự, hộ của chị Tô Thị Mỹ Duyên (thôn Chánh Hiển) cùng quẫn đến nỗi không đủ ăn phải bồng một đứa con về nương nhờ nhà ngoại, còn chồng là Lê Thanh Tân cùng đứa con còn lại sống bữa đói bữa no trong một túp lều rách. Vậy mà cũng bị bật ra khỏi danh sách hộ nghèo!
|
Dinh cơ ông Trần Văn Hứa thế này vẫn được coi là “nghèo” để nhận tiền Tết |
Trái ngược với hình ảnh trên là những hộ nghèo nhà cao cửa rộng. Như hộ ông Trần Văn Hứa (ở Chánh Hiển), có ba khẩu, sở hữu một cơ ngơi bề thế gần 100 m2, bên trong trang bị cả tủ lạnh cỡ lớn, có cả trang trại thênh thang rộng tới 10 ha cộng thêm nghề buôn bán nhỏ, nhưng vẫn nghiễm nhiên được đề bạt hộ nghèo!
Đơn giản vì ông là cha của vị cán bộ địa chính xã. Chưa hết, ông Nguyễn Minh Sương là em vợ của vị cán bộ địa chính xã nọ có nhà xây kiên cố, có 8 sào mía, công tác tại một trường học với mức lương 700 ngàn đồng/tháng vẫn nghiễm nhiên nhận một triệu/bảy nhân khẩu.
Bình Thuận: Xóm trưởng đến nhà đòi lại tiền
Ở các xóm 1, 4 thôn Đồng Me (xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh), bà con dân tộc Rắc Lây khi nhận tiền hỗ trợ tết về đến nhà đã có các ông xóm trưởng theo sau đòi 20.000 đến 30.000 đồng tiền công, như các hộ Lê Thị Lang, Lê Thị Ba, Lê Thị Lý…
Một người ghi lại danh sách tới 45 hộ bị đòi lại quả. Bà Trần Thị Nhiêu chồng chết, nuôi bốn con nhỏ được nhận một triệu đồng; vừa về đến nhà, bà thấy xóm trưởng Trần Văn Bình theo sau đòi 100.000 đồng tiền công làm giấy tờ, xăng xe.
Còn hộ Lê Thị Nghèo-Trần Văn Thượng đến nay cũng không biết thực hư thế nào vì đã ký nhận một triệu đồng, mang về cất vào tủ khóa cẩn thận thì cán bộ Bình đến nói phát sai và lấy tiền lại.
Ở khu 51 (xóm 5, thôn 2, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh) có 68 hộ dân tộc Châu Ro sinh sống.
Hộ Điểu Văn Lùn-Trần Thị Hiền được nhận một triệu đồng nhưng phải nộp lại 50.000 đồng cho người phát tiền, gọi là để ủng hộ cho người không được hỗ trợ. Tương tự, hộ Trần Văn Sinh nhận một triệu đồng cũng phải nộp lại 50.000 đồng.
Khi chúng tôi đang làm việc với ông Châu, bà Điểu Thị Thanh đến ký đơn, cho biết hộ bà có ba khẩu được nhận 600.000 đồng nhưng bà nghèo quá nên chỉ nộp lại 10.000 đồng cho một cán bộ xã mà theo ông Châu tên là Đ.
Ngoài ra, nhiều hộ thắc mắc là không được nhận tiền đúng theo số khẩu như hộ Lý Út (thôn 1) bốn khẩu chỉ nhận 400.000 đồng; hộ Trần Thị Hậu (thôn 2) bốn khẩu nhận 600.000 đồng...
TT - Huế: Hơn 250 hộ nghèo miền núi chưa nhận tiền tết
Tiền tết chưa đến tay nhiều hộ nghèo huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Hồ Nam Đông - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện xác nhận với Tiền Phong chiều 20/2.
Cụ thể, vẫn còn khoảng 260/2.760 hộ nghèo trên địa bàn huyện A Lưới chưa nhận được tiền tết, tập trung chủ yếu tại hai xã Hồng Bắc, Nhâm.
Nguyên nhân chính, theo ông Đông, là do thời gian cấp phát cận Tết, danh sách hộ nghèo từ xã gửi lên huyện thiếu chính xác, việc hoàn thiện danh sách và rà soát đối tượng nghèo thiếu toàn diện, nên để lọt hàng trăm đối tượng. Khâu cấp phát tiền cũng gặp các sai sót về cách tính nhân khẩu, gây thiệt thòi cho hộ nghèo. Có gia đình bốn nhân khẩu nhưng nhận được một triệu đồng, hộ bảy khẩu chỉ nhận được 400.000 đồng...
Phòng LĐ-TB&XH huyện A Lưới đang gấp rút khắc phục thiếu sót để cấp tiền Tết đợt hai trong tuần sau, đồng thời kiểm tra các hộ nghèo còn nằm ngoài danh sách để hỗ trợ theo đúng quy định.
Thanh Hóa: Xử lý nhiều sai phạm
Các huyện của Thanh Hóa xử lý sai phạm trong đợt cấp phát tiền hỗ trợ cho người nghèo ăn tết như cách chức trưởng thôn; khiển trách tập thể và cá nhân vi phạm; thu hồi toàn bộ số tiền sai phạm.
Qua kiểm tra thực tế, một số địa phương có biểu hiện sai phạm như chi hỗ trợ bình quân cho các hộ nghèo, cận nghèo; cấp tiền cho hộ nghèo nhưng không cấp cho lao động chính trong hộ; chỉ hỗ trợ 100.000 đồng/người nghèo, số còn lại để hỗ trợ cho các hộ cận nghèo và các hộ khó khăn khác chưa được xét hộ nghèo; các hộ biếu lại tiền cho trưởng thôn, cán bộ chi trả từ 20.000 đến 50.000 đồng; cấp nhầm cho một số hộ đã thoát nghèo năm 2006, 2007...
Toàn tỉnh được cấp 262.522 triệu đồng, trong đó kinh phí tỉnh tạm cấp cho huyện là 222.210 triệu đồng, kinh phí các địa phương chi trả thực tế là 165.097 triệu, kinh phí còn dư phải thu hồi là 57.131 triệu đồng. Hiện tại, các địa phương đang tiếp tục xem xét và xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân sai phạm trong việc thực hiện hỗ trợ cho người nghèo.
#e8eefa;"> Lâm Đồng: Thanh tra trợ cấp tiền tết người nghèo toàn tỉnh Từ ngày 23/2, Thanh tra Tỉnh Lâm Đồng tiến hành thanh tra việc cấp phát tiền trợ cấp của Chính phủ cho các hộ nghèo ăn tết ở tất cả các huyện, thị, thành phố và lên UBND Tỉnh báo cáo kết quả trước ngày 15/3. Qua kiểm tra đột xuất của Sở Lao động – TBXH và điều tra bước đầu của cơ quan công an, phát hiện nhiều sai phạm như tại xã Đạ Oai (Đạ Huoai), cán bộ bớt xén tiền trợ cấp của dân; ở xã Tân Thành (Đức Trọng), cán bộ kê khống để chiếm đoạt hơn 26 triệu đồng; tại xã Lộc Bắc (Bảo Lâm), 22 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận được tiền trợ cấp; ở huyện Đạ Tẻh xảy ra tình trạng nhập nhằng tiền trợ cấp của tỉnh và Chính phủ… Cơ quan công an đã bắt một cán bộ ở xã Tân Thành và tiếp tục điều tra các đối tượng sai phạm tại một số xã của các huyện Đức Trọng, Đạ Huoai… Kim An |