Ngày nay mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng đang có sự ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Tại Việt Nam gần đây, mạng xã hội như một làn sóng mới gây nhiều sự chú ý của dư luận và liệu có ai, tổ chức nào đủ sức ngăn chặn làn sóng này
Không tính trên thế giới, chỉ xét riêng tại Việt Nam, dẫu mức sống vật chất của người dân Việt vẫn còn khá thấp nhưng mức sống tinh thần, đặc biệt là sống “ảo” khá cao. Do đó, mạng xã hội như tìm được môi trường lý tưởng để phát triển. Có thể nhận thấy dễ dàng rằng, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ chỗ nào, cứ hễ có smartphone, laptop, ipad… thì lại có Facebook. Sức lan tỏa Facebook ngày càng mãnh liệt hơn so với những năm về trước, khi mà nhà nhà, người người, từ già đến bé đều có Facebook.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mọi người đều chỉ sử dụng mạng xã hội hay Facebook một cách tích cực, nhưng thực tế luôn ngược lại so với những gì ta nghĩ. Người dân Việt Nam chỉ thích sử dụng những mặt tối của mạng xã hội để đè bẹp, hạ thấp, làm xấu mặt lẫn nhau, nó như một căn bệnh truyền nhiễm lan đi rất nhanh và vô phương cứu chứa.
Có thể thấy rõ nhất là trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, khi mà cứ lướt báo thì sẽ có ít nhất một tin về mạng xã hội, từ chia tay đòi quà, tố bạn trai/ bạn gái trơ trẽn đào mỏ, rồi vấn đề “cam-pu-chia” ăn nhóm nhưng một người trả tiền, cán bộ tố Chủ tịch tỉnh “cái mặt kênh kiệu” hay nổi nhất là sự kiện các “sửu nhi” ( theo cách gọi của “cư dân mạng”) giả danh IS, thậm chí là tuyên chiến, thách thức lực lượng khủng bố này sang “thăm” Việt Nam.
Đứng trước những tác động khá tiêu cực từ mạng xã hội, không ít cơ quan, doanh nghiệp đã khá đau đầu không biết phải làm sao để đối phó với tình hình trên.
Không quản được thì cấm
Thời gian qua, trên fanpage “Sinh Viên Luật” nhận được một thắc mắc của một giáo viên mẫu giáo, cô ấy kể rằng mình có thói quen chụp hình “tự sướng” bản thân, các em thiếu nhi, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ lời nói, bình luận xúc phạm nào ảnh hưởng đến danh dự, uy tín nhà trường hay vi phạm vấn đề chính trị nhưng cô hiệu trưởng trường mẫu giáo lại gọi nói chuyện riêng, yêu cầu cô giáo trẻ ngưng sử dụng Facebook vì “ảnh hưởng danh tiếng nhà trường”.
Không chỉ riêng trường hợp cô giáo trên mà còn rất rất nhiều trường hợp cấm sử dụng mạng xã hội (Facebook). Đơn cử như trường hợp Phòng Giáo dục - Đào tạo Thành phố Châu Đốc ra văn bản 1192 về việc sử dụng, cung cấp thông tin trên mạng xã hội. Theo đó đề nghị hiệu trưởng các trường thường trực thuộc triển khai đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn đơn vị nghiêm cấm các cá nhân bình luận, like, share, đăng nội dung liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, phản động, chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác.
Trái luật, vi hiến
Tuy rằng những hành động trên đều xuất phát từ mong muốn ngăn chặn, răn đe những hành vi lạm dụng mạng xã hội của một bộ phận cán bộ, công chức nhưng không thể phủ nhận rằng các văn bản cấm trên đã quá lạm quyền, xâm phạm vào quyền cá nhân của mỗi công dân, thậm chí là vi hiến.
Hiến pháp 2013 cho phép công dân được tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội... Đây là quyền lợi cơ bản của con người, là điều tối thiểu phải có do đó đây là quy định luôn được hiến định trong các bản Hiến pháp dẫu là của Việt Nam hay thế giới.
Đáng chú ý bên cạnh quyền tự do ngôn luận là tự do thông tin. Tự do thông tin là quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, chia sẽ, trao đổi, phổ biến thông tin. Đây là nội dung cơ được ghi nhận tại khoản 2, Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) được chính Việt Nam tham gia ký kết.
Ngoài ra tại điều 10 Nghị định 72/2013/NĐ-CP cho phép công dân được sử dụng các dịch vụ trên Internet và đương nhiên bao gồm cả mạng xã hội - một dịch vụ trên Internet (Điều 26). Điều đó đồng nghĩa rằng từ Hiến pháp đến Nghị định của Chính phủ đều quy định công dân có quyền tự do thông tin, tự do sử dụng mạng xã hội (Facebook) và đương nhiên khi xét về hiệu lực pháp lý thì các văn bản cấm, hạn chế sử dụng mạng xã hội của các cơ quan nhà nước cấp dưới đều là trái luật, thậm chí là vi hiến.
Tự do không quá đà
Dẫu luật có quy định cho phép công dân được tự do sử dụng các dịch vụ trên Internet song không phải muốn sử dụng thế nào là sử dụng. Việc sử dụng mạng xã hội đòi hỏi phải đảm bảo những nguyên tắc do luật định, bao gồm không thực hiện các hành vi cấm tại điều 5 Nghị định 72:
“1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
-
a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
-
b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
-
c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp Luật quy định;
-
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;
-
e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
-
Cản trở trái pháp Luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên Internet của tổ chức, cá nhân.
-
Cản trở trái pháp Luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam ".vn", hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
-
Sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên Internet.
-
Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền Điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên Internet.”
Ngoài ra khi Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực thì phải tuân thủ, không thực hiện 6 hành vi cấm tại Luật. Nếu thỏa mãn các quy định trên thì công dân hoàn toàn có quyền tự do sử dụng Internet, bất kể là mạng xã hội Facebook hay Twitter, Instagram…