Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Việc thành lập địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp:
Mỗi doanh nghiệp có một trụ sở chính. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp là địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp. Địa chỉ trụ sở chính có thể đồng thời là địa điểm kinh doanh. Nhưng, ngoài trụ sở chính, doanh nghiệp có thể có nhiều địa điểm kinh doanh khác.
Việc quy định rõ về địa điểm kinh doanh sẽ giúp tăng quyền chủ động tổ chức kinh doanh cho doanh nghiệp, đồng thời có thể tránh phiền phức có thể xảy ra cho doanh nghiệp trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện việc kiểm tra, giám sát.
Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Doanh nghiệp chỉ được đặt địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo nơi đặt địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Hồ sơ bao gồm:
- Thông báo lập địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện, chi nhánh;
- Biên bản của Đại hội đồng cổ đông/ Hội đồng thành viên về việc thành lập địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện, chi nhánh;
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông/ Hội đồng thành viên về việc thành lập địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện, chi nhánh;
- Quyết định bổ nhiệm người đứng đầu địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện, chi nhánh;
- Hợp đồng lao động của công ty với người đứng đầu địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện, chi nhánh.
2. Hạch toán chi phí thuê mặt bằng: chỉ khi mặt bằng được đăng ký thành công là địa điểm kinh doanh của công ty thì chi phí thuê mặt bằng mới được cơ quan thuế chấp nhận là chi phí hợp lý của doanh nghiệp theo các quy định về thuế và kế toán.
3. Thu nhập của thành viên A từ việc cho thuê mặt bằng sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài.
Trình tự thực hiện thủ tục nộp thuế như sau:
Thành viên A liên hệ với chi cục thuế cấp huyện (nơi có tài sản cho thuê) nộp 1 bản hợp đồng cho thuê mặt bằng, sau khi nhận tờ khai thuế môn bài, ông A đi đóng thuế môn bài theo hướng dẫn và nộp bản sao biên lai cho chi cục thuế, cơ quan thuế sẽ căn cứ hợp đồng và căn cứ tỷ lệ giá trị gia tăng và thu nhập chịu thuế tính trên doanh thu do Cục thuế cấp tỉnh ở từng địa phương ban hành để hướng dẫn cho ông A nộp thuế thu nhập cá nhân và nhận hóa đơn.
Chi tiết được quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính và các quy định hướng dẫn của Cục thuế tỉnh về biểu tỷ lệ giá trị gia tăng và thu nhập chịu thuế tính trên doanh thu.
Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, bạn có thể điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Trân trọng./.