Chào bạn!
Vấn đề bồi thường thiệt hại cán bộ, công chức Nhà nước gây ra được xem xét trên cơ sở pháp lý là: Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/3003 của Ủy ban thường vụ quốc hội ; và Luật bồi thường trách nhiệm của Nhà nước năm 2009.
Nghị quyết 388 quy định:
Điều 18. Áp dụng Nghị quyết để giải quyết bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan
1. Nghị quyết này được áp dụng để giải quyết bồi thường thiệt hại đối với những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này mà có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó bị oan.
2. Đối với những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này mà có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 1996 của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó bị oan mà đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan đã được cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự tiếp nhận trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết, thì áp dụng Nghị quyết này để giải quyết.
3. Đối với những người bị oan đã được bồi thường thiệt hại trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì không áp dụng Nghị quyết này để giải quyết lại.
Điều 19. Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại
1. Đối với những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này, trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 cho đến trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực mà có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định bị oan, thì thời hiệu yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giải quyết việc bồi thường là hai năm, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.
2. Đối với những người có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định bị oan từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực, thì thời hiệu yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giải quyết việc bồi thường là hai năm, kể từ ngày bản án, quyết định trên có hiệu lực pháp luật.".
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định:
"Điều 66. Điều khoản chuyển tiếp
1. Các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết theo Nghị quyết số 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra hoặc Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật đó để giải quyết.
2. Các trường hợp được bồi thường theo Nghị quyết số 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra đến thời điểm Luật này có hiệu lực mà còn thời hiệu theo quy định của các văn bản này nhưng chưa yêu cầu Nhà nước bồi thường hoặc đã yêu cầu nhưng chưa được thụ lý thì áp dụng các quy định của Luật này để giải quyết.".
Như vậy, theo các quy định pháp luật nêu trên thì vụ việc của ông bạn xảy ra trước thời điểm 01/76/1996 nên căn cứ vào Điều 19, Nghị quyết 388 thì ông bạn không được áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại để giải quyết.