Chào bạn!
Nội dung bạn hỏi là một thắc mắc gây nhiều tranh cãi từ trước tới nay. GCN QSD đất cấp cho "Hộ gia đình" nhưng pháp luật chưa có khái niệm "hộ gia đình" là gì. Bộ luật dân sự có 5 điều luật (từ Điều 106 đến Điều 110) nhắc tới hộ gia đình nhưng cũng không chỉ ra khái niệm hộ gia đình là gì.
Thực tiễn áp dụng mỗi nơi mỗi khác, phần nhiều phụ thuộc vào nhận thức của người áp dụng pháp luật.
Nếu vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất liên quan tới hộ gia đình thì Tòa án thường xét tới nguồn gốc và quá trình sử dụng của thửa đất đó để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất:
- Nếu nguồn gốc đất là hộ gia đình được giao đất, chia đất trong thời kỳ cải cách ruộng đất thì người nào sinh sống (căn cứ vào nhân khẩu, không căn cứ vào sức lao động) tại thời điểm được chia đất sẽ được một phần sở hữu trong khối tài sản chung của hộ gia đình đó;
- Nếu thửa đất được hộ gia đình (bố mẹ, con...) khai hoang phục hóa sau đó sử dụng ổn định và được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu) thì những người có công khai phá, quản lý sử dụng ổn định sẽ được quyền lợi từ thửa đất đó.
Nếu người khai phá, sử dụng đất ổn định nhưng chưa được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, sau đó chuyển đi nơi khác. Đồng thời có người khác nhập hộ khẩu vào hộ gia đình (ví dụ: con dâu, con rể..) và thời điểm đó nhà nước cấp GCN QSD đất cho hộ gia đình thì nhiều tòa án xác định người có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm cấp GCN QSD đất là các đồng sở hữu tài sản và có xét tới công sức của người khai hoang, phục hóa thửa đất đó...
Nếu có người khai phá nhưng không đủ căn cứ là đã sử dụng ổn định theo quy định tại khoản 4, Điều 50 Luật đất đai và hướng dẫn tại Điều 3, Nghị định 84/2007/NĐ-CP, sau đó chuyển đi nơi khác. Người khác đến sử dụng được cho là "ổn định" trước 15/10/1993 thì người sử dụng sau vẫn được công nhận quyền sử dụng đất.
- Trường hợp của gia đình bạn không phải là đất khai hoang mà là nhận chuyển nhượng từ người khác. Do vậy, cần xem lại việc chuyển nhượng đó có thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật đất đai hay không.
+ Nếu người chuyển nhượng cho gia đình ông bà bạn có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật đất đai thì trong gia đình ông bà bạn ai có tên trong giấy tờ chuyển nhượng thì người đó sẽ được coi là đồng sở hữu tài sản đó;
+ Nếu người chuyển nhượng đất cho gia đình ông bà bạn không có bất cứ một loại giấy tờ nào theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật đất đai thì việc chuyển nhượng đó không hợp pháp và cũng không hợp lệ nên việc sử dụng đất của gia đình bà bạn được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật đất đai và Điều 3 Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Khi đó người nào tham gia vào quá trình sử dụng "ổn định" sẽ được công nhận quyền sử dụng đất..
Ngoài ra: Căn cứ xem xét xác định các đồng sở hữu tài sản trong hộ gia đình đó còn thể hiện tại việc kê khai thành viên hộ gia đình khi làm thủ tục xin cấp GCN QSD đất.
Vụ việc của gia đình bạn, nếu Thẩm phán "không chuyên" thì sẽ không xem xét kỹ nguồn gốc và quá trình sử dụng mà căn cứ vào số thành viên trong hộ gia đình tại thời điểm cấp GCN QSD đất và "nhắm mắt" tuyên bố những người đó là đồng sở hữu tài sản. Do vậy, mẹ bạn cần chuẩn bị các chứng cứ và lập luận để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình...