“Kêu trời” vì thuế chứng khoán bất hợp lý

Chủ đề   RSS   
  • #91074 27/03/2011

    tranthibichvan_tax06
    Top 25
    Female
    Dân Luật bậc 1

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:31/08/2010
    Tổng số bài viết (3405)
    Số điểm: 82389
    Cảm ơn: 1341
    Được cảm ơn 2744 lần


    “Kêu trời” vì thuế chứng khoán bất hợp lý

    Chưa đầy một tuần nữa là thời điểm cuối cùng nhà đầu tư phải hoàn tất thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2010, nhưng đến thời điểm này Đầu tư Chứng khoán chưa ghi nhận trường hợp nào nhà đầu tư hoàn tất thủ tục để được hoàn thuế cho dù họ kinh doanh thua lỗ trong năm vừa qua.


    Đã chịu "thuế mẹ" còn bị đánh "thuế con"


    Khi nói về sự bất hợp lý của Luật thuế Thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư Nguyễn Tiến Dũng (Hà Nội) đã phải thốt lên: "Với quy định của thuế thu nhập cá nhân hiện hành, nhà đầu tư như tôi đang phải nộp cả 'thuế mẹ' lẫn 'thuế con'!".


    Ông Dũng cho rằng, nhà đầu tư khi bỏ vốn vào một DN, thì ở một góc độ nào đó họ đồng thời là chủ DN. Vậy nên, khi DN đóng thuế thu nhập DN thì có nghĩa là phần lãi do đồng vốn mà nhà đầu tư đầu tư vào DN đã bị đánh thuế. Nếu coi đây là khoản "thuế mẹ", thì thuế cổ tức được coi là khoản "thuế con" mà nhà đầu tư phải nộp. Rõ ràng, đây chính là tình trạng "thuế chồng thuế" mà nhà đầu tư đang phải gánh chịu.


    Sự bất hợp lý trên, theo ông Dũng, đang gây ức chế cho nhà đầu tư nhiều hơn là việc họ phải bỏ ra chi phí nộp thuế. Bởi vậy, để khắc phục tình trạng này, cần bỏ thuế cổ tức trong lần sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân sắp tới. Thực tế, khoản thu này cho ngân sách không lớn, trong khi nếu không phải chịu thuế cổ tức sẽ mang lại "liều thuốc bổ tinh thần" cho nhà đầu tư, cũng như TTCK.


    "Thu nhập từ cổ tức về thực chất chẳng khác là mấy so với lãi tiền gửi tiết kiệm. Trong khi lãi tiền gửi tiết kiệm không bị đánh thuế thì tại sao thu nhập từ cổ tức lại bị chịu thuế. Rõ ràng, đây là sự bất bình đẳng không nên tồn tại", ông Dũng nói.


    Cũng ở khía cạnh bị đánh "thuế mẹ" lại còn phải chịu "thuế con", nhà đầu tư Nguyễn Thị S (Hà Nội) bức xúc: "Với những nhà đầu tư chọn hình thức nộp thuế 20% trên tổng lợi nhuận từ kinh doanh cổ phiếu khi quyết toán thuế vào cuối năm, thì thực chất là họ đã nộp thuế cho thu nhập từ cổ tức, vì mức thuế 20% trên lợi nhuận rõ ràng được hiểu là thu nhập từ cổ tức cộng với chênh lệch giữa giá bán và giá mua. Ấy vậy mà thuế thu nhập cá nhân vẫn đánh thêm một lần nữa với thu nhập từ cổ tức".


    Bà S cho biết, một "nỗi đau" khác mà bản thân bà cũng như tất cả các nhà đầu tư đang gánh chịu là bị lỗ trong năm vừa rồi, nhưng vẫn phải nộp thuế. Sau mỗi lần giao dịch, CTCK tự động trừ trong tài khoản của nhà đầu tư 0,1% giá trị bán, ngay cả khi chọn cách nộp thuế 20%/thu nhập. Luật thiết kế như vậy là không hợp lý, bởi lẽ ra không nên khấu trừ ngay khi nhà đầu tư tiến hành bán chứng khoán. Nếu cơ quan thuế sợ nhà đầu tư "xù" thuế mà áp dụng cách làm như vậy, thì có thể đưa ra các chế tài để xử lý nhà đầu tư trốn thuế. Với thẩm quyền của mình, cơ quan thuế hoàn toàn tự chủ và có trách nhiệm trong theo dõi lỗ, lãi của nhà đầu tư để làm cơ sở đối chiếu với hồ sơ khai thuế của nhà đầu tư khi làm thủ tục quyết toán thuế hàng năm.


    Với lý lẽ như vậy, bà S đề xuất không nên khấu trừ thuế ngay khi nhà đầu tư bán chứng khoán. Vào cuối năm, trên cơ sở tính toán lỗ lãi, nhà đầu tư sẽ nộp thuế theo đúng quy định.


    Trong số nhiều nhà đầu tư mà phóng viên Đầu tư Chứng khoán phỏng vấn trực tiếp thì 100% trả lời rằng, không riêng gì đầu tư chứng khoán, trong bất kể lĩnh vực kinh doanh nào cũng vậy, đầu tư có lãi đóng thuế là chuyện đương nhiên, hợp lý hợp tình. Nhưng kinh doanh lỗ mà vẫn phải đóng thuế thì không thể coi là bình thường như giải thích của đại diện Bộ Tài chính, đó là chưa kể ý kiến này còn trái với một tinh thần quan trọng của Luật thuế Thu nhập cá nhân là đầu tư chứng khoán có lãi mới phải đóng thuế. Thế nhưng, thực tế thời gian qua, kinh doanh thua lỗ, nhưng nhà đầu tư vẫn phải "đem tiền nhà" đi đóng thuế. Đây rõ là một bất cập, rất cần cơ quan quản lý nghiên cứu thấu đáo để có một giải pháp đánh thuế hợp lý, mà qua đó Nhà nước vẫn thu được thuế, còn các nhà đầu tư nộp thuế không bị ấm ức.

    Theo Hữu Hòe
    ĐTCK

    Cung cấp dịch vụ Đào tạo kế toán trưởng, dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ Setup hệ thống kế toán cho DN

    Dịch vụ soát xét hóa đơn, chứng từ, sổ sách trước khi Quyết toán thuế.

    Liên hệ: Ms Vân 0969.790.185/ Zalo: 0969.790.185/ Skype:van_kttc

     
    5856 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn tranthibichvan_tax06 vì bài viết hữu ích
    YenNguyen_ (29/06/2011)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #91494   29/03/2011

    tranthibichvan_tax06
    tranthibichvan_tax06
    Top 25
    Female
    Dân Luật bậc 1

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:31/08/2010
    Tổng số bài viết (3405)
    Số điểm: 82389
    Cảm ơn: 1341
    Được cảm ơn 2744 lần


    ''Kỹ thuật đánh thuế chứng khoán chưa ổn''

    “Nguyên tắc đánh thuế của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là hợp lý, nhưng kỹ thuật đánh thuế đối với đầu tư chứng khoán còn một số điểm chưa ổn”, Tiến sỹ Quách Đức Pháp, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận xét khi trao đổi với ĐTCK.

    Thưa ông, điểm chưa ổn đầu tiên của Luật TNCN áp dụng đối với đầu tư chứng khoán là gì?

    Để đưa ra đánh giá khoa học, xác đáng về những bất hợp lý của Luật TNCN áp dụng đối với đầu tư chứng khoán một cách toàn diện, cơ quan quản lý cần tiến hành tổng kết, phân tích khách quan những bất hợp lý phát sinh từ thực tiễn áp dụng luật. Tuy nhiên, một thực tế khiến NĐT đang “kêu” rất nhiều là khi họ chọn hình thức nộp thuế 20% trên lãi thu được từ đầu tư chứng khoán trong năm, thì với quy định “cứng” của luật hiện hành, NĐT rất khó, nếu không muốn nói là không thể xuất trình các loại hoá đơn, chứng từ để chứng minh thu nhập với cơ quan thuế khi làm thủ tục quyết toán thuế. Đây là phản ánh đáng để cơ quan quản lý xem xét, bởi với quy định hiện hành, NĐT sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi làm thủ tục hoàn thuế nếu chọn hình thức nộp theo thuế suất 20%. Điều này giải thích tại sao gần như toàn bộ NĐT nhỏ lẻ bị “cưỡng bức” phải chọn cách nộp 0,1% trên giá trị giao dịch bán, dẫn đến khi đầu tư thua lỗ họ vẫn bị nộp thuế.

    Kinh doanh lỗ nhưng NĐT vẫn phải đóng thuế là biểu hiện của kỹ thuật đánh thuế chưa ổn, thưa ông?

    Về kỹ thuật đánh thuế, cơ quan thuế thường áp dụng hình thức người chịu thuế có đủ các loại chứng từ, hoá đơn, thì áp dụng nguyên tắc lấy doanh số trừ đi chi phí sẽ ra khoản thu nhập chịu thuế. Trường hợp đối tượng chịu thuế không thực hiện chế độ sổ sách kế toán như NĐT chứng khoán nhỏ lẻ, thì không thể xác định được thu nhập chịu thuế, khi đó cơ quan thuế thường áp dụng kỹ thuật thuế khoán. Cụ thể, đối với đầu tư chứng khoán, áp dụng thuế suất 20% trên mức lãi thu được cuối năm đối với trường hợp xác định được thu nhập chịu thuế, nhưng không xác định được thì khoán thu 0,1% trên giá trị giao dịch bán. Điểm quan trọng ở đây là đưa ra tỷ lệ thu như thế nào để không có sự quá chênh nhau về nghĩa vụ thuế mà NĐT phải nộp giữa hai cách nộp thuế. Qua thực tế áp dụng luật, NĐT đang “kêu” về chuyện đánh thuế trên thu nhập thì hợp lý, nhưng thủ tục không khả thi, trong khi thu trên giá trị giao dịch bán thì bộc lộ nhiều bất hợp lý, mà điển hình là đầu tư thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế. Bởi vậy, cần tính toán lại kỹ thuật đánh thuế, để khắc phục những bất hợp lý này.

    Ông bình luận thế nào về bức xúc của nhiều NĐT về tình trạng “thuế chồng thuế”?

    Ở một khía cạnh nào đó có thể hiểu cách thu 20% trên thu nhập và đồng thời thu thuế cổ tức là có biểu hiện của tình trạng “thuế chồng thuế”. Nhưng trên thực tế, để làm rõ khái niệm này và đạt được sự thống nhất của cả cơ quan quản lý, các chuyên gia, cũng như đối tượng chịu thuế là không đơn giản. Bởi vậy, nên nhìn vấn đề này ở khía cạnh tổng các hình thức đánh thuế hiện tại đối với đầu tư chứng khoán là hơi nặng, trong khi TTCK vẫn đang ở trong giai đoạn cần khuyến khích phát triển để trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, minh bạch cho nền kinh tế, nên cơ quan quản lý cần xem xét điều chỉnh mức thuế sao cho hợp lý hơn. Nghĩa là, với lĩnh vực đầu tư chứng khoán, lúc này nên “dưỡng” nguồn thu hơn là tìm cách tăng thu. Mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách chỉ nên đặt ra khi TTCK phát triển đến một quy mô lớn hơn, bởi đó là thời điểm thích hợp để xem xét tăng thuế.

    Nhiều NĐT giao dịch qua Internet, điện thoại, tin nhắn… nên chọn nộp theo thuế suất 20% trên thu nhập thì không thể xuất trình được chứng từ khi làm thủ tục quyết toán thuế. Để khắc phục tình trạng này, theo ông trong lần sửa đổi tới, Luật Thuế TNCN có cần quy định chi tiết việc công nhận các dữ liệu điện tử này tương tự như hoá đơn điện tử để làm thủ tục quyết toán thuế?

    Đây là một gợi ý đáng để xem xét nhằm góp phần đơn giản hoá thủ tục quyết toán thuế và quan trọng nhất là đảm bảo tính khả thi của luật. Bất kỳ một quy định pháp lý nào cũng vậy, chứ không riêng gì Luật Thuế TNCN, dù xây dựng tốt đến mấy, nhưng khi áp dụng phát sinh bất hợp lý là khó tránh khỏi. Bởi vậy, điều quan trọng là cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu để đánh giá sự bất ổn nằm ở đâu, qua đó lấy ý kiến các bên liên quan nhằm đưa ra phương án sửa dễ áp dụng nhất, khả thi nhất.


    Theo Hữu Hòe
    ĐTCK

    Cung cấp dịch vụ Đào tạo kế toán trưởng, dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ Setup hệ thống kế toán cho DN

    Dịch vụ soát xét hóa đơn, chứng từ, sổ sách trước khi Quyết toán thuế.

    Liên hệ: Ms Vân 0969.790.185/ Zalo: 0969.790.185/ Skype:van_kttc

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn tranthibichvan_tax06 vì bài viết hữu ích
    YenNguyen_ (29/06/2011)