Tôi vẫn thấy tiếc là không luật sư nào vào đây thảo luận cho dù LawSoft là diễn đàn có số lượng thành viên là luật sư nhiều nhất trong số các diễn đàn chuyên về pháp luật hiện nay tại VN (không biết nhận xét của tôi có đúng không, có bác nào chỉ ra giúp tôi địa chỉ diễn đàn nào nhiều LS hơn không? Phải chăng cái Cà fe quán do anh em tôi phục vụ không chu đáo? Nếu có gì chưa hài lòng, xin quý khách cứ thẳng thắn góp ý nha- Cảm ơn!!!
Quý khách nào góp những ý kiến chất lượng, chúng tôi sẽ tặng thẻ VIP để dùng
miễn phí luôn!!!
)
Nào, bây giờ xin phép được tiếp tục câu chuyện thảo luận với bác
abunhgemomom. Như vậy, chúng ta cơ bản đã thống nhất quan điểm về 5 vấn đề tôi nêu trên rồi phải không ạ?
Chỉ có điều tôi muốn trao đổi thêm một chút xíu.
Bác viết: "
quan điểm cuối cùng của phananhcuong là chính thống" thì tôi e là chưa chuẩn xác. Trên diễn đàn này, ý kiến của tôi cũng ngang bằng ý kiến các thành viên khác chứ? Có thể là
Đúng hoặc cũng có thể là
Sai chứ không bao giờ cho rằng đó là
Chính thống!
Một điều nữa, tôi muốn nói thêm, bác rất đúng khi viết
"Thông báo" không phải là VB QPPL". Nhưng tôi thấy băn khoăn khi bác viết:
"Giám đốc nọ bằng nhiệm vụ và quyền hạn đã được quy định trong luật đã ban hành một văn bản (Thông báo chứ không phải Quyết định). Mà Thông báo không phải là văn bản quy phạm pháp luật." Phải chăng, theo bác, nếu trong vụ này ông GĐ ban hành Quyết định (văn bản quy phạm pháp luật) thì mới sai còn Thông báo (không phải văn bản QPPL) thì không sai? Nếu quan điểm của bác như vậy thì tôi cũng không đồng tình bởi trong bất cứ trường hợp nào thì văn bản do ông GĐ sở ban hành, dù là Quyết định hay Thông báo đều không phải là văn bản QPPL. Theo Luật Ban hành văn bản QPPL, ông GĐ sở không có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL, bác à!
Về vấn đề chưa rõ ràng trong mối quan hệ giữa STP và ĐLS, quan điểm của chúng ta là thống nhất rồi, phải không ạ?
Để giúp ai muốn tìm hiểu thêm về mối quan hệ này, tôi xin trích ra các quy định trong các văn bản QPPL đang có hiệu lực pháp luật:
Luật Luật sư 2006
Điều 83.Trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư
...
4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Cho phép thành lập Đoàn luật sư; quyết định việc giải thể Đoàn luật sư;
b) Phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư;
c) Tổ chức cấp, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;
d) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;
đ) Đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi những quy định, quyết định và nghị quyết của Đoàn luật sư trái với quy định của Luật này;
e) Định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình tổ chức luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương;
g) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư tại địa phương;
h) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 84. Trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư
Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thực hiện tự quản luật sư và hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và Điều lệ của mình.
Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý luật sư và hành nghề luật sư.
Nghị định 28/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2007
Điều 25. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương theo quy định tại khoản 4 Điều 83 của Luật Luật sư.
2. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cho phép thành lập Đoàn luật sư; giải thể Đoàn luật sư;
b) Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư;
c) Cấp, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;
d) Cung cấp thông tin về việc đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư, Công ty luật cho cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư báo cáo về tình hình hoạt động khi cần thiết;
e) Định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình tổ chức luật sư và hành nghề luật sư;
g) Tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư tại địa phương;
h) Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư theo thẩm quyền hoặc theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xử phạt vi phạm hành chính đối với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư theo thẩm quyền.
Thông tư 02/2007/TT-BTP ngày 25 tháng 04 năm 2007
VIII. KIỂM TRA, THANH TRA VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG LUẬT SƯ
1. Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư theo thẩm quyền.
2. Định kỳ mỗi năm một lần, Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư tại địa phương. Thời gian và nội dung kiểm tra định kỳ phải được thông báo cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 7 ngày trước khi tiến hành kiểm tra.
Sở Tư pháp có thể thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Nội dung kiểm tra bao gồm:
a) Kiểm tra về tổ chức và hoạt động hành nghề của các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;
b) Kiểm tra việc tuân theo quy định của pháp luật đối với các luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;
c) Kiểm tra việc tuân theo quy định của pháp luật trong hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.
4. Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tư pháp thực hiện thanh tra về tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật về thanh tra.