Việc được sống thực với giới tính của mình không chỉ là nguyện vọng của mỗi người, mà còn được pháp luật bảo vệ như các quyền cơ bản khác của con người. Giá trị nhân bản này đã được Bộ Luật Dân sự năm 2005 ghi nhận. Và, mới đây là Nghị định 88/2008/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 5/8/200 đã cụ thể hoá sự ghi nhận này. Tuy nhiên, để có thể áp dụng chính xác, cũng cần phải hiểu thật đúng tinh thần của điều luật.
1. Xác đinh lai giới tính – Môt quyền nhân thân có điều kiên
Trên thế giới và Việt Nam, ước tính cứ 2000 trẻ em sinh ra, thì ít nhất có 1 trẻ có bộ phận sinh dục không phù hợp với bộ nhiễm sắc thể, dẫn đến khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Và, đa phần những người không may bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính đều có nhu cầu xác định lại giới tính, để có thể được sống thực giới tính của mình. ở Việt Nam, trước kia, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, các kênh thông tin còn hạn chế, thì những người này đành chịu số phận bất hạnh, “trời đày” của mình. Nhưng, trong những năm gần đây, nhu cầu xã hội về xác định lại giới tính đã ngày một tăng. Các bệnh viện lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện rất nhiều ca điều trị cho bệnh nhân có rối loạn, bất thường về giới tính.
Xuất phát từ thực tế xã hội này, cũng như ghi nhận một quyền con người cơ bản như những quyền khác, Bộ luật Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2005 đã cụ thể hoá quyền xác định lại giới tính thành một điều luật (Điều 36). Có thể nói, việc quyền xác định lại giới tính được luật hoá trong Bộ luật Dân sự đã có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó thể hiện sự điều chỉnh kịp thời của cơ quan lập pháp đối với những quan hệ pháp luật mới phát sinh trong đời sống xã hội. Qua đó giúp cho những người chưa định hình được giới tính một cách chính xác có được sự bảo vệ của pháp luật.
Tuy nhiên, cũng từ góc độ pháp lý, có thể thấy đây là một quyền nhân thân có điều kiện. Thể hiện ở chỗ, một người chỉ được quyền yêu cầu xác định lại giới tính của mình khi họ có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Khi và chỉ khi đáp ứng được một trong hai điều kiện trên họ mới có quyền yêu cầu y học xác định lại giới tính chính xác.
Như vậy, nhìn nhận theo góc độ quy định của luật, có thể thấy “chuyển đổi giới tính” và “xác định lại giới tính” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Bản thân cụm từ “xác định lại giới tính” nhằm trả lại giới tính thực cho những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác đã nói lên rất rõ ràng và là yếu tố để phân biệt với khái niệm “chuyển đổi giới tính” được thực hiện theo ý thích của con người, trái với quy luật của tạo hoá. Và, các hoạt động y khoa để xác định lại giới tính cũng sẽ được gọi chung là “can thiệp y tế”, chứ không phải bất cứ khái niệm gì khác.
Từ đó, có thể nói, Điều 36 Bộ luật Dân sự đã một mặt bảo vệ quyền nhân thân con người khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật, mặt khác nó điều chỉnh tình trạng chuyển đổi giới tính một cách tuỳ tiện thực tế đang diễn ra và có chiều hướng gia tăng ở nước ta.
“Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Điều 36 Quyền được xác định lại giới tính, Bộ luật Dân sự năm 2005
“Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật
Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét cả về bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.”
Trích Điều 2 Khoản 1,2 NĐ 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính
2. Tôn trong nguyên tắc tự nguyên khi xác đinh lai giới tính
Điều 36 Bộ luật Dân sự quy định, việc xác định lại giới tính sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, để điều luật này đi vào cuộc sống nhất thiết phải có một sự cụ thể hoá. Và, 3 năm sau ngày Bộ luật Dân sự năm 2005 ghi nhận quyền xác định lại giới tính như một quyền nhân thân cơ bản, ngày 5/8/2008 Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính đã được Chính phủ ban hành.
Với 5 Chương 17 Điều, Nghị định 88 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên ở Việt Nam quy định chi tiết về vấn đề xác định lại giới tính và cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để đưa những hoạt động xác định lại giới tính vào đúng khuôn khổ pháp luật.
Đánh giá về sự ra đời của Nghị định 88, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế – cơ quan chấp bút xây dựng Nghị định - ông Nguyễn Huy Quang cho biết, chưa có Nghị định nào khiến Ban soạn thảo “lao tâm khổ tứ” đến vậy. Chỉ 1 năm sau khi Bộ luật Dân sự năm 2005 ban hành, Nghị định 88 đã được trình Chính phủ. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm và tế nhị, có ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như sự nhận thức của toàn xã hội, nên dự thảo Nghị định đã được xem xét, cân nhắc, chỉnh sửa, lấy ý kiến đóng góp nhiều lần. Và phải đến nay, 3 năm sau thời điểm của Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định mới được ban hành với một nội dung tương đối hoàn chỉnh.
Là một bước cụ thể hoá quy định của Bộ luật Dân sự, nên ngay ở phạm vi điều chỉnh, Nghị định 88 đã một lần nữa khẳng định việc xác định lại giới tính là một quyền nhân thân có điều kiện và chỉ được thực hiện “đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác” (Khoản 1 Điều 1 NĐ 88). Cá nhân nào không đáp ứng đủ những điều kiện trên thì không được phép xác định lại giới tính.
Hay nói cách khác, pháp luật Việt Nam tuyệt đối nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính (Khoản 1 Điều 4 NĐ88) . Việc nghiêm cấm này nhằm ngăn chặn những hành vi chuyển đổi giới tính phục vụ cho các quan niệm tâm sinh lý lệch lạc, băng hoại đạo đức hoặc vì các mục đích khác (trốn tránh trách nhiệm pháp lý, gian lận trong thể thao…).
Đặc biệt, Nghị định 88 đã nhìn nhận sự khuyết tật về giới tính cũng như nhu cầu được xác định lại giới tính là vấn đề mang tính cá nhân, thể hiện quyền nhân thân của mỗi người. Vì vậy, theo quy định của Nghị định, việc thực hiện quyền này, nhất thiết “phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan và trung thực”. Có nghĩa không bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào có quyền bắt buộc người có khuyết tật về giới tính phải xác định lại giới tính bằng các can thiệp y tế, nếu không phải do tự thân người đó quyết định. Và, người được xác định lại giới tính phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính của mình.
Để xác định lại giới tính, quy trình can thiệp y tế có thể tiến hành được càng sớm càng tốt theo quan điểm của y học và cho phép tiến hành cả với những người dưới 6 tuổi theo quy định của pháp luật (Mục a Khoản 1 Điều 7 NĐ 88). Với một độ tuổi nhỏ như vậy, một vấn đề đặt ra ở đây, là liệu “nguyên tắc tự nguyện” có được đảm bảo ? Nhằm hoá giải vướng mắc này, NĐ 88 đã đề cao vai trò của cha mẹ hoặc người giám hộ thông qua việc quy định chính những người này phải có đơn đề nghị (đối với trường hợp người cần xác định lại giới tính nhỏ hơn 6 tuổi) và phải ký tên thể hiện sự đồng ý vào đơn đề nghị (đối với trường hợp người cần xác định lại giới tính từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi).
Và, tất nhiên, cha mẹ và người giám hộ cũng sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính của con hoặc người được giám hộ.
“ - Bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình
– Việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính”
Điều 3 Khoản 1, 2 Nguyên tắc xác định lại giới tính- NĐ 88/2008/NĐ-CP
“…Trường hợp xác định lại giới tính cho người chưa đủ 06 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó phải có đơn đề nghị; trường hợp xác định lại giới tính cho người đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì trong đơn đề nghị phải có chữ ký của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó”
Điều 7 Khoản 1 Mục a Hồ sơ, thủ tục về y tế đề nghị xác định lại giới tính- NĐ 88/2008/NĐ-CP
3. Người đã xác đinh lai giới tính và các quyền đươc pháp luât bảo vệ
Để có thể trở lại với giới tính thực của mình, sống một cuộc đời bình thường, những người có nguyện vọng xác định lại giới tính, không chỉ trải qua một quy trình can thiệp y tế đơn thuần, mà nhất thiết phải có được sự cho phép cũng như bảo vệ của pháp luật. Vì thế, sự xuất hiện của các hệ quả pháp lý liên quan là tất yếu.
Được tôn trọng và giữ bí mật đời tư
Theo quan điểm của pháp luật, những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác, trước và sau được xác định giới tính đều hoàn toàn bình đẳng về quyền nhân thân với các công dân khác. Có nghĩa là họ có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền được tôn trọng bí mật đời tư như quy định tại Điều 37 và 38 Bộ luật Dân sự. Thêm vào đó, xác định lại giới tính lại là một vấn đề mang tính cá nhân, tương đối nhạy cảm, nên bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính sẽ được pháp luật tuyệt đối bảo vệ, trừ những trường hợp đặc biệt, bất khả kháng do pháp luật quy định.
Bất kỳ hành vi tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác hoặc phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Bộ Y tế đang xúc tiến việc sửa đổi Nghị định 45/2005/NĐ-CP về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo hướng bổ sung các quy định xử phạt liên quan đến hoạt động xác định lại giới tính.
Được thay đổi họ tên, cải chính hộ tịch
Song song với việc ghi nhận quyền được xác định lại giới tính, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng bảo đảm cho người đã được xác định lại giới tính quyền được thay đổi họ tên để phù hợp với hoàn cảnh thực tại (Mục e Khoản 1 Điều 27).
Để cụ thể hoá quy định này, Nghị định 88/2008/NĐ-CP cũng đã dành hẳn một chương để đề cập tới các vấn đề liên quan đến hộ tịch của người sau khi đã xác định lại giới tính. Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch có trách nhiệm căn cứ vào Giấy chứng nhận y tế (do cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính cấp) để giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho người đã xác định lại giới tính.
Theo sự dẫn chiếu của Nghị định 88, thẩm quyền, thủ tục cho người đã được xác định lại giới tính sẽ được thực hiện theo quy định tại các Điều 36,37,38 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Người đã xác định lại giới tính sẽ được thay đổi và công nhận giới tính, được thay đổi họ tên phù hợp giới tính trên các giấy tờ hộ tịch. UBND cấp quận, huyện có thẩm quyền tiến hành các thủ tục cải chính này
Được xây dựng gia đình và nhận con nuôi
Sau khi đã được xác định lại giới tính để trở lại sống với giới tính thật và đơn nhất (hoặc nam, hoặc nữ) của mình, người đã xác định lại giới tính sẽ có quyền được tự do kết hôn như mọi công dân khác theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 39) và Luật Hôn nhân và Gia đình (Điều 9). Cùng với đó, quyền được nuôi con nuôi của cá nhân hoặc vợ chồng những người này cũng sẽ được pháp luật công nhận và bảo hộ.
“Giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính”
Điều 3 Khoản 3 Nguyên tắc xác định lại giới tính- NĐ 88/2008/NĐ-CP
“Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn việc đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định lại giới tính”
Điều 16 Khoản 2 Trách nhiệm hướng dẫn thi hành- NĐ 88/2008/NĐ-CP
Các chi phí y tế để xác định lại giới tính có được bảo hiểm y tế ?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, tiến tới trong tương lai nếu sự “khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác” được coi là một loại bệnh, thì các chi phí y tế để xác định lại giới tính sẽ được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Nếu được như vậy, đây thực sự sẽ là một tin vui với những người nghèo, đối tượng chính sách không may phải chịu sự trớ trêu của tạo hoá.
Cập nhật bởi LawSoft02 vào lúc 05/12/2009 08:56:46