Nước mắt không bao giờ chảy ngược
Nước suối nguồn sao chảy được lên non?!
Đó là câu ca dao mà nói về những việc ở thế gian không thể làm ngược lại được. Chuyện con nuôi cha mẹ kể công không phải là hiếm. Tôi biết được một việc này, post lên đây để các bạn tham khảo, xem .....có nên ......có con không
Tôi vô tình đọc được bài này khi tìm thông tin trên google, được đăng trong trang điện tử có tên nguồn là Eco-blue.net
Buổi chiều, tại Trung tâm Bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc (quận 12,
TP.HCM), cụ Sen run run chống gậy quanh sân, gặp ai cụ cũng khoe: “Hôm nay con
tui ở Thanh Hóa vô!”. Nói rồi cụ nắm tay người bạn già: “Mừng quá dì ạ, nó còn
nhớ tui, nó khóc xin rước tui về”. Nói đoạn cụ lại đưa tay quệt những giọt nước
đang chực trào từ khóe mắt đầy dấu chân chim. “Từ ngày vô đây, lần đầu tiên thấy
cụ vui như vậy. Cụ khóc rồi cụ cười. Mà khóc cười gì cũng ra nước mắt, đều là
những giọt nước mắt hạnh phúc”. Chị Lan, nhân viên trung tâm, còn cho biết: “Hôm
trước cụ ăn không được, ngủ không được, vậy mà nay như vừa được uống thuốc hồi
sinh”.
Nhìn cảnh cụ già 88 tuổi ấy còng lưng chống gậy đi khoe niềm vui
của mình khắp nơi dường như ai cũng vui lây. Thế nhưng, niềm vui hồn nhiên ấy
không khỏi làm chạnh lòng những người mẹ khác.
Ở một ghế đá trên sân, một cụ
bà đang nắm chặt quyển kinh trong lòng bàn tay, miệng cứ lẩm nhẩm. “Cầu cho mình
cũng được về nhà như người ta. Ngày nào cũng vậy, sáng đọc, chiều đọc sám hối,
cầu an, mỗi lần đọc 120 câu”.
Ở ghế đá bên cạnh, hai bà mẹ đang chuyện
trò: “Nhiều khi tui mơ có khi nào nó vô kiếm mình, một lần thôi cũng được, lúc
đó chắc tui sướng lắm bà ơi”. Bà mẹ kia đáp lại: “Tui cũng vậy. Nhưng thôi, số
mình vô phước bạc phần thì ráng chịu. Nhiều đêm nằm suy nghĩ tui khóc hoài, hơn
một năm rồi mà tui cứ tưởng hôm qua, không ngờ nó bỏ tui. Dù nó chẳng hứa hẹn gì
nhưng tui vẫn chờ ngày được rước về. Chứ như ông Mừng, bảy đứa con ổng đều hứa
hẹn khi nào làm ăn dư dả sẽ đón ổng về phụng dưỡng. Bao nhiêu năm rồi thấy ổng
cầu trời khấn phật hoài mà có ai đón về đâu! Tội nghiệp ông cụ gần đất xa trời
rồi mà vẫn chờ ngày con cái làm ăn “dư dả!”- “Thôi, muối bỏ lòng ai nấy xót, còn
sống là còn chờ con, bà ạ!”.
Và các cụ đã chờ, đã hi vọng. Hi vọng vào
những dòng tin nhắn tìm người thân trên tivi. Dù niềm hi vọng ấy mong manh, yếu
ớt như chính tuổi già của các cụ. Tuổi của sự hoài niệm, cô đơn. Tuổi mà sự sống
đang dần xa như ngọn đèn sắp tắt.
...và đêm...
Căn phòng hôm ấy
trống một giường. “Ông cụ vừa đi đêm qua vì kiệt sức”. Cụ Thiểu thở dài: “Có ra
đi vĩnh viễn mới hết thắc thỏm đợi chờ”. Một người ra đi cũng có nghĩa là căn
phòng trống một chỗ ngồi xem tivi mỗi đêm. Hơn chục người già trong căn phòng ấy
đêm đêm cứ mỏi mắt chờ xem tin “Tìm người thân” và họ khắc khoải chờ đợi một
phép màu: “Biết đâu con mình nhắn tìm mình thì sao!” - cụ Mai ngậm ngùi - dù nó
bỏ tui bốn năm rồi chưa một lần thăm viếng, nhưng tui vẫn cứ mong nó nghĩ lại”.
Khuôn mặt nhăn nheo ấy lại đau đáu vào chiếc tivi. Niềm hi vọng đến theo định kỳ
ấy thường vội vụt tắt. Hết mục nhắn tin, các cụ lại lặng lẽ trở về giường. Những
tiếng thở dài quen thuộc dù cố nén nhưng vẫn hắt ra xót xa.
Ở tuổi
gần đất xa trời, cụ Ba chỉ mong gặp lại con một lần
Đêm
chùng lại!
Có cụ nằm còng queo trên giường, im lặng nhìn vào mảng tường
trắng. Có cụ taygác hờ lên trán. Có cụ cứ chống gậy đi lòng vòng quanh phòng rồi
lẩm nhẩm đọc những cái tên: con Bẩm, thằng Tâm… Có đêm cụ còn xách giỏ đòi về
nhà. Giường bên cạnh, cụ Hương không ngủ mà ngồi nhai trầu và ôm cái túi nilông.
Trong túi nilông chỉ có chiếc quần đen mà bà vẫn mặc đi ăn xin. Bà rơm rớm nước
mắt: “Bà chỉ muốn khóc, muốn về thôi!”.
Cụ Hương là nhân vật người mẹ
trong bài “Con gái bắt mẹ già 84 tuổi đi xin ăn” đăng cách đây vài tuần. Cụ
không biết chữ nên chỉ nghe người ta nói lại bà lên báo “thế này, thế này”. Cụ
không muốn “người ta viết như vậy vì con mình còn mặt mũi đâu nhìn mọi người”.
Cụ cũng không nói lại chuyện con gái bắt bà đi xin ăn đến gần 12 giờ khuya để
lấy tiền xây nhà; không nhắc chuyện thằng Trọng - cháu ngoại cụ - thường văng
tục, có lúc đánh cụ đến ngất xỉu; cũng không kể về những bước chân run rẩy, liêu
xiêu nhiều lúc ngã quị ở khu hồ Con Rùa. Gần một tháng vào trung tâm, cụ buồn
mất ăn mất ngủ. Cụ ray rứt: “Tại mình già không làm được gì nên con dâu mới nói
mình là người ăn bám. Không ở được với con trai nên về ở với con gái. Thế
nhưng…” - cụ không nói nữa, rút khăn lau những giọt nước mắt lăn dài…
Cụ
Đỗ Văn Ba, 87 tuổi, mới vào trung tâm được vài tháng. Vừa ôm ngực ho khù khụ,
ông vừa kể: ông có bốn người con, nhưng ba người đã bỏ ông “ra đi vĩnh viễn về
thế giới bên kia”, chỉ còn một người sống với ông, năm nay đã 51 tuổi. Khi căn
nhà ở đường Dương Bá Trạc (Q.8) của ông bị qui hoạch, ông cùng con trai và con
dâu đi ở nhà trọ. Đêm đến, đợi cha ngủ say, hai vợ chồng cùng đứa con ôm hơn
trăm triệu đồng tiền đền bù căn nhà của cha trốn mất. Nghe đồn con ở Rạch Giá,
ông bước thấp bước cao đón xe đi tìm. Không gặp. Đói. Luẩn quẩn không chỗ ngủ,
ông vô trung tâm dưỡng lão ở Rạch Giá ở nhờ. Sau đó, ông lại được người ta đưa
về đây. Cụ nghẹn ngào: “Thôi… thôi… thằng cờ bạc ấy nó bỏ tui rồi, thôi...
thôi...”.
Chị Kim Chi, nhân viên trung tâm, cho biết có cụ già trên 70
tuổi còn bị con lừa bán nhà rồi chở đến công viên bỏ như cụ Nguyễn Liễu. Nhiều
cụ bị con mình bỏ trước cổng trung tâm. Thấy cụ chờ mãi đói lả, các anh chị dìu
vào cho ăn uống. Mỗi cụ một hoàn cảnh: “Con tui biểu tui ngồi đây đợi đi”. “Tui
giận hắn, hắn chỉ ưa của chứ hắn không ưa người”. “Trời ơi, nó gạt tui, nó dụ
tui đi mổ mắt, ai dè tui ra bến xe rồi nó bỏ tui ở đó”.
Nhắc đến hoàn
cảnh ông Nguyễn Đình Chớ - giám đốc trung tâm Lê Công Hùng - rút cho tôi xem một
xấp biên bản về các buổi làm việc giữa UBND phường 26, Q.Bình Thạnh với năm
người con của ông kéo dài từ tháng 8-2001 đến 5-2003. Ông Chớ thuộc diện có công
với cách mạng, được hưởng trợ cấp hằng tháng 160.000 đồng. Ông còn năm người
con, trong đó có hai người là cán bộ nhà nước.
Sau khi ông bán căn nhà
và chia thừa kế, các con của ông cứ đùn đẩy nhau trách nhiệm nuôi cha. Cuối
cùng, ông cụ trên 80 tuổi ấy phải đi xin ăn và ngủ ngoài đường hẻm số 4 Xô Viết
Nghệ Tĩnh. UBND P.26 đã nhiều lần họp các con ông và chi tiền thuê xe chở ông về
ở với con trai ở Q.9 rồi về với cô con gái ở Củ Chi. Không nơi nào ở quá hai
tháng vì “con dâu quá khó khăn”, “con cái nặng nhẹ”, ông lại ngủ vỉa hè và đi ăn
xin. UBND P.26 lại tiếp tục mời các con ông họp và yêu cầu phải có trách nhiệm
nuôi cha, nếu không họ phải góp tiền đưa ông vào viện dưỡng lão.
Chiều, các cụ ngồi lặng lẽ hàng giờ trên ghế đá
Các con ông giao
trách nhiệm nuôi cha cho người vắng mặt trong buổi họp ấy là ông Khải. Biên bản
lưu lại có ghi: “Anh em chúng tôi đã họp ngày 11-5-2003, vắng ông Nguyễn Đình
Khải nhà ở Q.9. Anh em chúng tôi thống nhất như sau: sẽ đưa cha chúng tôi là ông
Chớ về Q.9 ở với ông Khải do trước đây cha tôi bán nhà có đưa tiền (khoảng 19
lượng vàng) và sau đó cha tôi có gửi thêm 5 lượng vàng cho ông Khải để cất nhà
sau này cha tôi về ở”.
Sau đó, ông Khải lại cho rằng cha ông không cho
ông nhiều tiền như vậy mà là “trả cho tôi 6,8 lượng vàng chứ tôi không nhận tiền
thừa kế của cha tôi”... Năm lần bảy lượt xách gói đi từ nhà đứa con này đến đứa
con khác, người cha ấy lại trôi dạt ra vỉa hè. Cũng không người con nào góp tiền
đưa ông vào viện dưỡng lão. UBND P.26 đành gửi ông vào Trung tâm Nuôi dưỡng bảo
trợ người già và người tàn tật Thạnh Lộc.
Khi UBND P.26 sắp đưa ra họp
dân xử lý hành động ngược đãi cha mẹ của các con ông thì ông đột ngột qua đời.
Ban giám đốc trung tâm đã báo và đề nghị nên gọi xe mai táng đưa xác người cha
quá cố về. Thế nhưng, sau một trận cãi vả, ai cũng giành mang xác về làm đám
tang thì một người con ông đã gọi taxi và một mực gập xác người cha đã chết
cứng, bó lại như “một đòn bánh tét” và nhét vào thùng xe…