Nếu tham nhũng được xem như con đẻ của một chế độ quan liêu không minh bạch về quyền, thì bài học là phát huy Xã hội dân sự để cân bằng và kiểm soát quyền lực sẽ là viên đá đầu tiên phòng trừ tham nhũng. Chính trị học phân tách một cách rõ ràng: để trừ lạm quyền, ngoài vấn đề thể chế, còn cần một lực lượng phát hiện, giám sát xuất phát từ trong lòng quần chúng. Từ đó, hình thành nên xã hội dân sự (XHDS) để cân bằng sức mạnh với nhà nước và thị trường.
Ở nước ta Mặt trận Tổ quốc là tổ chức XHDS lớn nhất, bao gồm các đoàn thể (công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân...), hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ... Mặt khác có thể coi XHDS là diễn đàn, là nơi mọi người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung. XHDS hỗ trợ người dân thực thi luật pháp, đồng thời phản ánh nguyện vọng người dân[1].
|
Thế Xã hội dân sự là gì? Một khái niệm tuy cũ trên thế giới nhưng lại khá mới mẻ ở Việt Nam. Theo bảng nghiên cứu vừa công bố của Viện Những vấn đề phát triển (VIDS), thì lãnh vực xã hội (dân sự) là nơi mà các nỗ lực tập thể, những phong trào xã hội, các hoạt động của các tổ chức xã hội và những mạng lưới xã hội diễn ra. Đây cũng là lĩnh vực mà các hoạt động phi lợi nhuận, những chính kiến về chính sách, những hoạt động về phúc lợi và từ thiện được nhận diện. Lĩnh vực dân sự có thể hướng tới các hoạt động kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và thể thao [2]. Nói nôm na, đó là những tổ chức dân sự cùng theo đuổi chung một mục đích. Hoạt động của họ độc lập với thị trường và không phụ thuộc vào nhà nước.
Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, một XHDS mạnh sẽ đồng nghĩa với khả năng giám sát của người dân càng cao. Xã hội giám sát thị trường, giám sát Nhà nước, giám sát cán bộ công chức thông qua các tổ chức dân cử, các hội đoàn thể, các tổ chức XHDS, hoặc qua phương tiện thông tin đại chúng. Xã hội giám sát Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách công, kiểm tra xem nhà nước có thực thi đúng như pháp luật. Có thể hình dung rằng, phát huy XHDS chính là phát huy cơ chế theo lời Bác Hồ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” một cách thực tiễn nhất. Tiếng nói của XHDS vọng ra từ phía quần chúng nhân dân. Chính vì thế nó tạo nên một sức ép lớn trong việc chống tiêu cực
Vì một số lý do chủ quan cũng như khách quan, ở nước ta, khái niệm này chưa được phổ biến rộng rãi. Dưới đây tôi xin mạo muội đề xuất bốn biện pháp nhằm phát huy khả năng XHDS để ngăn ngừa và chửa căn bệnh “nội xâm” tham nhũng:
-
Nâng cao khả năng phản biện của Mặt trận Tổ quốc
Cho đến nay nhiều người vẫn cho rằng cơ quan Mặt trận Tổ quốc chỉ đóng vai trò “cánh tay nối dài” của Đảng và Nhà nước. Điều này phản ánh một thực tế: khả năng phản biện của tổ chức này phần nào bị đóng trong một cái khuôn hẹp. Ta cần nhiều tiếng nói trái ngược nhau, cần giám sát, cần sức mạnh từ trong lòng nhân dân, vì thế nên cơ quan Mặt trận được hình thành. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, tham nhũng thường phát hiện bởi thư tố cáo của dân hay do các cơ quan báo chí phanh phui hơn là được phát hiện ngay trong nội bộ. Vì vậy chống tham nhũng là gì nếu không phải làm sao tập hợp tiếng nói của người dân ngày càng nhiều hơn, mạnh mẽ hơn ?
-
Tôn trọng hơn nữa quyền lập hội của nhân dân
Công dân muốn lập hội thì phải có những điều kiện gì? Quản lý nhà nước của hội như thế nào? Chế tài ra sao? Đây vẫn đang là những câu hỏi nóng cho các nhà lập pháp trong nước. Trên thực tế, nếu tôn trọng quyền lập hội của người dân chính là tôn trọng dân chủ, thì vai trò của các Hội đoàn trong việc phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, hợp tác hiến kế và tham mưu cho chính quyền sẽ là những điều kiện quan trọng tiếp theo. Đảng và Nhà nước cần một đối tác để cùng bàn chính sự. Hợp tác là bình đẳng, hai chiều, chứ không phải một chiều. Để làm được điều này, thiết nghĩ, một dự luật hội hoàn chỉnh (đang được Quốc hội thảo luận) là vô cùng cần thiết. Thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi chúng ta như vậy.
-
Công khai và xã hội hoá các chính sách công
Lãnh đạo giỏi là người biết cách thu phục niềm tin của quần chúng. Trong đó luật pháp được xem như phương thức văn minh nhất. Quản lý đất nước không theo pháp quyền thì nhân dân không thể làm chủ nước nhà. Luật tuy do những người nắm quyền tạo ra, nhưng nó chỉ được mọi người công nhận và tuân thủ nếu được thông qua bởi một chính quyền công chính và có uy tín trước người dân. Muốn công chính thì phải công khai và minh bạch. Không thể sai phạm nghiêm trọng đến mấy vẫn được “xử lý nội bộ”, đến lúc quần chúng và dư luận lên tiếng dữ dội, mới đưa ra pháp luật xử lý. Làm như thế không những chẳng giúp giữ gìn trong sạch nội bộ Đảng, mà còn tiếp tay thêm cho các Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến,.. mới “con sâu làm rầu nồi canh”.
Thêm nữa, đưa luật vào cuộc sống là quan trọng, nhưng đưa cuộc sống vào luật còn quan trọng hơn. Muốn “dân biết,dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thực chất thì phải có cơ chế công khai và xã hội hoá các quyết sách quan trọng đến tay mỗi công dân. Một số biện pháp có thể kể ra đây:
(i) tăng cường vai trò người đại diện nhân dân (tăng số lượng đại biểu quốc hội chuyên trách, nâng cao khả năng giám sát của quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp);
(ii) phát huy dân chủ cơ sở (minh bạch trong công tác giải quyết công việc với người dân từ trung ương đến địa phương);
(iii) tạo kênh thông tin phản hồi về các chính sách đã, đang và sắp được thi hành;
(iiii) nếu điều kiện cho phép, tổ chức trưng cầu dân ý những quyết sách quan trọng của đất nước[3].
-
Cần tôn vinh những “anh hùng chân đất”[4]
( Bà già Chống tiêu cực Lê Hiền Đức )
Trong vòng mấy tháng liền dư luận khắp nơi nghiêng mình trước những con người dũng cảm. Đầu tiên là thầy giáo Khoa với lương tâm và lòng nhiệt huyết dám đứng ra chống lại các vụ tiêu cực giáo dục ở tỉnh Hà Tây. Từ khí thế đó, cả nước bùng lên chiến dịch “chống gian lận thi cử” làm nóng lại diễn đàn “chấn hưng giáo dục”. Hôm qua, trên VietNamNet tôi vừa biết thêm một nữ anh hùng chân đất khác. Đó là “bà già lắm chuyện” Lê Hiền Đức. Tuổi gần 80 nhưng bà Đức dành hết thời gian, tiền bạc, công sức đi làm cái việc mà mọi người cho là không bình thường. Hằng ngày bà đọc báo, lướt net, truy cập thông tin, có khi lại đi thực tế, làm tình báo, điều tra nhằm lôi ra ánh sáng các vụ việc khuất tất, tiêu cực trong xã hội. Hai trường hợp khác nhau về công việc làm nhưng cùng chung một ý nghĩa. Đấy chẳng phải là sức mạnh của quần chúng trong lòng một xã hội dân sự? Nếu thầy giáo Khoa đã được Bộ giáo dục vinh danh vì thành tích chống tiêu cực trong giáo dục, thì cá nhân tôi xin đề nghị một giải thưởng chống tham nhũng cho bà Lê Hiền Đức. Xã hội ta chẳng phải đang cần có nhiều “những bà già lắm chuyện” như thế sao ?
(Thầy giáo Đỗ Việt Khoa)
Xin khép lại bài viết ngắn này bằng hai nhận xét.
Thứ nhất: trên con đường tìm cách chửa căn bệnh “nội xâm”, cần thiết phải thử qua nhiều phương thuốc. Không câu nệ là Đông hay Tây y, miễn đúng bài đúng bệnh.
Thứ hai: XHDS tuy là một ý tưởng xuất phát từ Phương tây, nhưng đâu đó đã được thể hiện trong lịch sử tư tưởng dân tộc. Như lời trối “Thả sức cho dân” của Hưng Đạo Vương nói với vua Trần Anh Tông khi lâm chung hay câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân“ trong Đại Cáo Bình Ngô của anh hùng Nguyễn Trãi. Đó là gì, nếu không phải xây dựng nội lực từ nhân dân, dựa vào quần chúng để tạo dựng cơ đồ, đem lại ấm no hạnh phúc? Nay chúng ta chỉ bước tiếp con đường mà ông cha đã đi…
Nguyễn Chính Tâm
Theo Vietnamnet
|