Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất về thời gian làm việc của công chức, viên chức là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Một số ý kiến cho rằng, cần có sự thống nhất trong giờ làm việc giữa các địa phương để phát huy được hiệu quả làm việc giữa các cơ quan. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều cơ quan tổ chức nước ngoài ở Việt Nam bắt đầu làm việc từ 9h, nên việc quy định giờ làm việc của cơ quan hành chính bắt đầu từ 8h30 cũng là điều hợp lý. Về thời gian nghỉ trưa, bộ phận ý kiến này cho rằng 60 phút là khoảng thời gian đủ cho công chức, viên chức ăn uống và nghỉ ngơi.
Trái với quan điểm trên, nhiều ý kiến lại không đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về khung giờ làm việc như thế. Cụ thể, ý kiến này cho rằng việc thống nhất khung giờ làm việc là không phù hợp, bởi vì mặc dù chung múi giờ nhưng thời tiết và khí hậu ở các vùng hoàn toàn khác nhau. Ví dụ điển hình nhất đó chính là sự khác biệt về khí hậu giữa Hà Nội và TP.HCM, khoảng từ những tháng cuối năm, ở Hà Nội là mùa đông nhưng ở TP.HCM lại nắng và nóng. Theo đó, việc quy định giờ bắt đầu làm việc là 8h30 cũng không hợp lý vì như thế là quá muộn. Mặt khác, giờ làm việc muộn cũng sẽ kéo theo giờ ăn trưa muộn và 60 phút là không đủ cho người lao động ăn uống, nghỉ ngơi.
Dựa trên thực tiễn và đặc điểm khí hậu vùng miền, ta có thể nhận thấy:
Thứ nhất, vì tình hình khí hậu của các vùng miền là khác nhau nên việc quy định khung giờ nên để cho các địa phương tự quy định dựa trên cơ sở lấy ý kiến của công chức, viên chức hoặc HĐND các cấp có thể nghiên cứu đưa ra khung giờ làm việc phù hợp.
Thứ hai, việc đổi giờ làm muộn 8h30 sẽ gây ra nhiều khó khăn cho một số địa phương, đặc biệt là ở TP.HCM. Thông thường, vào tầm 6-7h, thì tình trạng giao thông trên các tuyến đường ở TP.HCM khá thông thoáng. Khung giờ kẹt xe là vào khoảng 7h30-8h30, nên nếu đổi sang khung giờ làm việc muộn sẽ gây ra tình trạng kẹt xe trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, khung giờ làm việc đề xuất khá “so le” so với khung giờ học của học sinh. Cụ thể, giờ bắt đầu vào học thường là 6h45 đến 7h15, như vậy, phụ huynh sau khi đưa con đến trường sẽ phải đợi thêm khoảng 1 tiếng nữa mới có thể vào làm việc. Buổi chiều, học sinh tan trường từ 4h45 đến 5h, trong khi cha mẹ lại 5h30 mới tan ca sẽ dẫn đến không kịp giờ đón con, để con “bơ vơ” đứng chờ ở trường. Ngoài ra, giờ làm việc muộn sẽ kéo theo giờ ăn và nghỉ trưa vào tầm 12h30. Đây là thời gian quá muộn để người lao động ăn uống, ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Thứ ba, thời gian nghỉ trưa 60 phút là không đủ cho người lao động ăn uống và nghỉ ngơi, tái tạo lại sức lao động cho buổi chiều. Người dân Việt Nam quen ăn uống chậm rãi chứ ít ăn nhanh, chưa kể nhiều người còn tranh thủ thời gian nghỉ trưa về nhà ăn cơm với gia đình, nên thời gian 1 tiếng là không đủ cho vừa ăn, vừa nghỉ ngơi. Như vậy, thời gian nghỉ trưa từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng là hợp lý hơn cả.
Dù người đề xuất ý kiến này có những nghiên cứu và suy nghĩ cho lợi ích cộng đồng, nhưng thông qua nhiều ý kiến trái chiều, có thể thấy, đề xuất này chưa phù hợp với bộ phận số đông của người dân. Thiết nghĩ, lắng nghe ý kiến người dân và nghĩ tới chất lượng làm việc chung là 2 điều hết sức cần thiết để có thể ban hành những quy định hợp lý nhất, đáp ứng nguyện vọng của phần đông xã hội.