Dự thảo Luật Quảng cáo: Thiếu chiều sâu, xa thực tế

Chủ đề   RSS   
  • #119765 25/07/2011

    tranthibichvan_tax06
    Top 25
    Female
    Dân Luật bậc 1

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:31/08/2010
    Tổng số bài viết (3405)
    Số điểm: 82389
    Cảm ơn: 1341
    Được cảm ơn 2744 lần


    Dự thảo Luật Quảng cáo: Thiếu chiều sâu, xa thực tế

    Dự kiến, dự thảo Luật Quảng cáo sẽ được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ cuối tháng 7 này trước khi trình UBTVQH. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu dự hội nghị tham vấn do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức mới đây, dự thảo Luật Quảng cáo ngày 8.7.2011 còn quá sơ sài, chưa chạm được tới thực tế bức xúc trong hoạt động quảng cáo hiện nay.

    Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, Luật Quảng cáo sẽ quét hết mọi vấn đề trong lĩnh vực quảng cáo để điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng có thể vì chạy theo chiều rộng, nên dự thảo còn thiếu chiều sâu. Các quy định chung chung, chưa sát thực tế…

    Tuyên truyền cổ động chính trị là quảng cáo?

    Theo dự thảo ngày 8.7.2011, quảng cáo được định nghĩa là “việc giới thiệu đến công chúng về cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lời và dịch vụ không có mục đích sinh lời...” Nhiều ý kiến cho rằng, định nghĩa như vậy chưa phân biệt được quảng cáo với tuyên truyền cổ động chính trị, quảng cáo với không phải quảng cáo (quảng cáo trá hình)... Thực tế, 90% hoạt động quảng cáo hiện nay là quảng cáo sinh lời, xúc tiến thương mại cho hàng hóa, dịch vụ. Nhưng không vì thế mà 10% quảng cáo không sinh lời (tuyên truyền, cổ động) không quan trọng. Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Tây Ninh Đặng Thị Phượng thậm chí còn đề xuất: nên có văn bản riêng điều chỉnh hoạt động tuyên truyền, cổ động chính trị. Vì, “không thể đánh đồng giữa tuyên truyền, cổ động chính trị với quảng cáo”. PGs, Ts Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cũng đồng tình: không nên quan niệm cổ động, tuyên truyền là quảng cáo, bởi như thế là hạ thấp giá trị của tuyên truyền, cổ động chính trị. Nếu Ban soạn thảo vẫn giữ quan điểm quảng cáo vừa có mục đích sinh lời vừa không có mục đích sinh lời, thì phải xác định phạm vi điều chỉnh đến đâu, từ đó mới có thể đưa ra các quy định phù hợp.

    Chưa theo kịp thực tiễn

    Theo ý kiến của nhiều đại biểu, dự thảo Luật Quảng cáo ngày 8.7.2011 chưa chạm tới nhiều vấn đề bức xúc trong thực tiễn hoạt động quảng cáo hiện nay. Đơn cử, về nội dung quảng cáo, Điều 19, dự thảo Luật Quảng cáo chỉ phù hợp với những hàng hóa, dịch vụ thông thường, mà chưa có quy định đối với hàng hóa, dịch vụ đặc trưng liên quan đến sức khỏe, đời sống tinh thần của con người, tác động tới môi trường… Tuy đã có quy định cấm quảng cáo sai sự thật nhưng thực tế có rất nhiều quảng cáo không đúng hay chưa đúng sự thật, dễ gây hiểu nhầm, ảnh hưởng không nhỏ tới người mua, sử dụng hàng hóa. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa có quy định cụ thể xử lý những vi phạm trong lĩnh này cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Đối với quảng cáo trực tuyến, ngoài quy định diện tích quảng cáo trên báo điện tử mà các doanh nghiệp cho rằng chưa phù hợp (không vượt quá 15% diện tích mỗi trang thể hiện trên khuôn hình của báo), dự thảo luật chưa đề cập đến quảng cáo tìm kiếm (quảng cáo bằng từ khóa), được dự báo sẽ phát triển nhanh chóng tại Việt Nam trong thời gian tới…

    Luật phải có tầm nhìn xa

    Ban hành Luật Quảng cáo thay thế Pháp lệnh Quảng cáo nhằm tạo ra hành lang pháp lý cao hơn cho hoạt động quảng cáo, đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH hiện nay. Tuy nhiên, với một lĩnh vực phát triển nhanh lại sử dụng công nghệ cao như quảng cáo, luật phải có tầm nhìn trong ít nhất 5 - 10 năm tới, thậm chí 15 năm, nếu không nó sẽ lạc hậu ngay khi ra đời. Ts Vũ Thị Thanh Tâm, Đài truyền hình Việt Nam cho rằng, luật nên chú trọng, tập trung điều chỉnh để hạn chế những vấn đề đang gây bức xúc trong hoạt động quảng cáo hiện nay, đó là quảng cáo sai sự thật, mang tính lừa đảo, quảng cáo gây mất mỹ quan, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong xã hội; quảng cáo trá hình trên các phương tiện thông tin đại chúng… Luật cần tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo, đáp ứng nhu cầu cơ bản của một xã hội phát triển, cạnh tranh lành mạnh; tránh đưa ra những quy định cứng nhắc, cào bằng, hạn chế năng lực quảng cáo của các cơ quan, tổ chức.

    Phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo rất rộng, bao gồm hàng hóa, dịch vụ trên mọi lĩnh vực. Thông tin quảng cáo được chuyển tải đến công chúng bằng nhiều phương tiện khác nhau. Vì vậy, những văn bản pháp luật về quảng cáo và công tác quản lý nhà nước về quảng cáo cũng cần được quy định rõ ràng, minh bạch và cụ thể để bảo đảm lợi ích chính đáng của người kinh doanh và người tiêu dùng, góp phần tích cực cho cạnh tranh lành mạnh. PGs, Ts Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh, nên hạn chế tối đa việc để những nội dung quy định ở văn bản dưới luật. Bởi, “đổi mới việc xây dựng các văn bản pháp luật là một chủ trương quan trọng của Quốc hội. Luật Quảng cáo là luật có liên quan rộng rãi công chúng và nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Vì vậy, rất cần quán triệt yêu cầu đổi mới của Quốc hội, cố gắng tối đa quy định cụ thể các chế tài trong luật, hạn chế những nội dung để lại quy định ở văn bản dưới luật nhằm tăng tính khả thi và nghiêm minh của pháp luật”.

     Theo nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Hà Văn Tăng, Luật Quảng cáo cần kế thừa và kết hợp những giá trị hợp lý trong Luật Thương mại và Pháp lệnh Quảng cáo hiện hành; kiên quyết loại bỏ những gì cản trở xu thế đổi mới, hội nhập. Mặt khác, Luật Quảng cáo cần đột phá theo hướng nhận thức đúng và đầy đủ hơn về quảng cáo, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ xử lý. Việc kết hợp cả tư duy kinh tế và tư duy văn hóa đòi hỏi sự chỉ đạo nhất quán, rành mạch mối quan hệ giữa văn hóa là nền tảng tinh thần và phát triển kinh tế là động lực. Đây là vấn đề văn hóa trong kinh tế cần được xác định ngay để thiết kế Luật Quảng cáo như một mốc son mới trong đổi mới, phát triển và hội nhập của Việt Nam.

    Nguyên Anh
    Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

    Cung cấp dịch vụ Đào tạo kế toán trưởng, dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ Setup hệ thống kế toán cho DN

    Dịch vụ soát xét hóa đơn, chứng từ, sổ sách trước khi Quyết toán thuế.

    Liên hệ: Ms Vân 0969.790.185/ Zalo: 0969.790.185/ Skype:van_kttc

     
    10042 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #119766   25/07/2011

    tranthibichvan_tax06
    tranthibichvan_tax06
    Top 25
    Female
    Dân Luật bậc 1

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:31/08/2010
    Tổng số bài viết (3405)
    Số điểm: 82389
    Cảm ơn: 1341
    Được cảm ơn 2744 lần


    Cần phân biệt tuyên truyền, cổ động và quảng cáo
    1:26' 21/7/2011
    Không đánh đồng tuyên truyền, cổ động với quảng cáo
    Theo PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ NGUYỄN MINH THUYẾT, dự thảo Luật Quảng cáo ngày 8.7.2011 cần phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung thì khi ban hành mới có thể thực hiện được ngay. Đặc biệt, dự thảo Luật cần phân biệt rạch ròi giữa quảng cáo với tuyên truyền, cổ động; giữa quảng cáo và không phải quảng cáo…

    Phó chủ nhiệm đánh giá thế nào về dự thảo Luật Quảng cáo?

    - Luật được soạn thảo cơ bản đầy đủ nhưng đơn giản quá. Có nhiều cái cần quy định cụ thể hơn để khi thực hiện không bị vướng. Như quy định cấm sử dụng hình ảnh Quốc kỳ, Quốc huy trong các sản phẩm quảng cáo chưa tính đến thực tế xã hội hóa các hình thức cổ động, tuyên truyền. Vừa qua, nhiều nơi treo panô, băng rôn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc, cổ động cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Phía trên panô, băng rôn là hình ảnh Đảng kỳ, Quốc kỳ, ở giữa là khẩu hiệu, còn phía dưới là lôgô và tên doanh nghiệp tài trợ. Về mặt pháp luật, như thế là vi phạm, nhưng thực tế cách làm này lại đang rất phổ biến, thậm chí được khuyến khích.

    Có ý kiến cho rằng, nên tách tuyên truyền, cổ động thành một văn bản pháp luật riêng, theo Phó chủ nhiệm, có khả thi không?

    - Đưa tuyên truyền, cổ động chính trị vào quảng cáo chắc chắn là không ổn. Nếu cần điều chỉnh các hoạt động này bằng pháp luật thì phải xây dựng một luật riêng. Nhưng đưa hoạt động quảng cáo công ích không sinh lời (như tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, bình đẳng nam nữ…) vào Luật là cần. Chỉ có điều, một khi Luật đã quy định quảng cáo gồm 2 loại sinh lời và không sinh lời thì phải có những quy định phù hợp với tuyên truyền, cổ động công ích. Trong dự thảo Luật Quảng cáo hiện nay, phần lớn các quy định chỉ thích hợp với quảng cáo sinh lời.

    Nhưng nếu tách riêng cổ động, tuyên truyền ra khỏi quảng cáo, có thể cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo không còn là Bộ VH, TT và DL nữa, thưa Phó chủ nhiệm?

    - Khi một lĩnh vực hoạt động liên quan đến chức năng quản lý của nhiều bộ thì bao giờ cũng xảy ra tranh luận về việc giao trách nhiệm quản lý cho bộ nào. Điều 6, dự thảo Luật Quảng cáo đang quy định Bộ VH, TT và DL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Tuy nhiên, cũng có thể giao việc này cho Bộ Thông tin - Truyền thông, bởi họ đang quản lý tới 90% hoạt động quảng cáo hiện nay. Các Bộ Công thương, NN và PTNT, Y tế, GD-ĐT, Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đều quản lý những lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ có phát sinh quảng cáo. Tôi nghĩ là các đại biểu Quốc hội sẽ bàn thảo để đưa ra quyết định có lợi nhất.

    Thực tế, phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo rất rộng, bởi hoạt động quảng cáo liên quan đến quảng đại quần chúng. Hoạt động quảng cáo cũng đã được quy định rải rác trong nhiều luật…

    - Đúng vậy. Vì thế, Luật Quảng cáo phải tập hợp được tất cả các quy định liên quan trong Luật Thương mại, Luật Dược, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Sở hữu trí tuệ... nếu không người dân không thể chỉ dùng luật này thi hành được mà vẫn phải tra các luật khác. Ví dụ, Luật Quảng cáo quy định không được quảng cáo các loại hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh thì danh mục các hàng hóa, dịch vụ này đã được quy định trong Luật Thương mại, Luật Quảng cáo cần dẫn chiếu theo.

    Ban soạn thảo cũng cần xem xét những quy định nào có thể đưa được vào luật thì đưa luôn, tránh tình trạng luật chờ nghị định. Các quy định phải sát thực tế, phù hợp với tình hình phát triển quảng cáo hiện nay.

    Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

    Ng.Anh thực hiện
    Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

    Cung cấp dịch vụ Đào tạo kế toán trưởng, dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ Setup hệ thống kế toán cho DN

    Dịch vụ soát xét hóa đơn, chứng từ, sổ sách trước khi Quyết toán thuế.

    Liên hệ: Ms Vân 0969.790.185/ Zalo: 0969.790.185/ Skype:van_kttc

     
    Báo quản trị |