Dự kiến, dự thảo Luật Quảng cáo sẽ được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ cuối tháng 7 này trước khi trình UBTVQH. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu dự hội nghị tham vấn do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức mới đây, dự thảo Luật Quảng cáo ngày 8.7.2011 còn quá sơ sài, chưa chạm được tới thực tế bức xúc trong hoạt động quảng cáo hiện nay. Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, Luật Quảng cáo sẽ quét hết mọi vấn đề trong lĩnh vực quảng cáo để điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng có thể vì chạy theo chiều rộng, nên dự thảo còn thiếu chiều sâu. Các quy định chung chung, chưa sát thực tế… Tuyên truyền cổ động chính trị là quảng cáo? Theo dự thảo ngày 8.7.2011, quảng cáo được định nghĩa là “việc giới thiệu đến công chúng về cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lời và dịch vụ không có mục đích sinh lời...” Nhiều ý kiến cho rằng, định nghĩa như vậy chưa phân biệt được quảng cáo với tuyên truyền cổ động chính trị, quảng cáo với không phải quảng cáo (quảng cáo trá hình)... Thực tế, 90% hoạt động quảng cáo hiện nay là quảng cáo sinh lời, xúc tiến thương mại cho hàng hóa, dịch vụ. Nhưng không vì thế mà 10% quảng cáo không sinh lời (tuyên truyền, cổ động) không quan trọng. Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Tây Ninh Đặng Thị Phượng thậm chí còn đề xuất: nên có văn bản riêng điều chỉnh hoạt động tuyên truyền, cổ động chính trị. Vì, “không thể đánh đồng giữa tuyên truyền, cổ động chính trị với quảng cáo”. PGs, Ts Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cũng đồng tình: không nên quan niệm cổ động, tuyên truyền là quảng cáo, bởi như thế là hạ thấp giá trị của tuyên truyền, cổ động chính trị. Nếu Ban soạn thảo vẫn giữ quan điểm quảng cáo vừa có mục đích sinh lời vừa không có mục đích sinh lời, thì phải xác định phạm vi điều chỉnh đến đâu, từ đó mới có thể đưa ra các quy định phù hợp. Chưa theo kịp thực tiễn Theo ý kiến của nhiều đại biểu, dự thảo Luật Quảng cáo ngày 8.7.2011 chưa chạm tới nhiều vấn đề bức xúc trong thực tiễn hoạt động quảng cáo hiện nay. Đơn cử, về nội dung quảng cáo, Điều 19, dự thảo Luật Quảng cáo chỉ phù hợp với những hàng hóa, dịch vụ thông thường, mà chưa có quy định đối với hàng hóa, dịch vụ đặc trưng liên quan đến sức khỏe, đời sống tinh thần của con người, tác động tới môi trường… Tuy đã có quy định cấm quảng cáo sai sự thật nhưng thực tế có rất nhiều quảng cáo không đúng hay chưa đúng sự thật, dễ gây hiểu nhầm, ảnh hưởng không nhỏ tới người mua, sử dụng hàng hóa. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa có quy định cụ thể xử lý những vi phạm trong lĩnh này cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Đối với quảng cáo trực tuyến, ngoài quy định diện tích quảng cáo trên báo điện tử mà các doanh nghiệp cho rằng chưa phù hợp (không vượt quá 15% diện tích mỗi trang thể hiện trên khuôn hình của báo), dự thảo luật chưa đề cập đến quảng cáo tìm kiếm (quảng cáo bằng từ khóa), được dự báo sẽ phát triển nhanh chóng tại Việt Nam trong thời gian tới… Luật phải có tầm nhìn xa Ban hành Luật Quảng cáo thay thế Pháp lệnh Quảng cáo nhằm tạo ra hành lang pháp lý cao hơn cho hoạt động quảng cáo, đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH hiện nay. Tuy nhiên, với một lĩnh vực phát triển nhanh lại sử dụng công nghệ cao như quảng cáo, luật phải có tầm nhìn trong ít nhất 5 - 10 năm tới, thậm chí 15 năm, nếu không nó sẽ lạc hậu ngay khi ra đời. Ts Vũ Thị Thanh Tâm, Đài truyền hình Việt Nam cho rằng, luật nên chú trọng, tập trung điều chỉnh để hạn chế những vấn đề đang gây bức xúc trong hoạt động quảng cáo hiện nay, đó là quảng cáo sai sự thật, mang tính lừa đảo, quảng cáo gây mất mỹ quan, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong xã hội; quảng cáo trá hình trên các phương tiện thông tin đại chúng… Luật cần tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo, đáp ứng nhu cầu cơ bản của một xã hội phát triển, cạnh tranh lành mạnh; tránh đưa ra những quy định cứng nhắc, cào bằng, hạn chế năng lực quảng cáo của các cơ quan, tổ chức. Phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo rất rộng, bao gồm hàng hóa, dịch vụ trên mọi lĩnh vực. Thông tin quảng cáo được chuyển tải đến công chúng bằng nhiều phương tiện khác nhau. Vì vậy, những văn bản pháp luật về quảng cáo và công tác quản lý nhà nước về quảng cáo cũng cần được quy định rõ ràng, minh bạch và cụ thể để bảo đảm lợi ích chính đáng của người kinh doanh và người tiêu dùng, góp phần tích cực cho cạnh tranh lành mạnh. PGs, Ts Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh, nên hạn chế tối đa việc để những nội dung quy định ở văn bản dưới luật. Bởi, “đổi mới việc xây dựng các văn bản pháp luật là một chủ trương quan trọng của Quốc hội. Luật Quảng cáo là luật có liên quan rộng rãi công chúng và nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Vì vậy, rất cần quán triệt yêu cầu đổi mới của Quốc hội, cố gắng tối đa quy định cụ thể các chế tài trong luật, hạn chế những nội dung để lại quy định ở văn bản dưới luật nhằm tăng tính khả thi và nghiêm minh của pháp luật”. Theo nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Hà Văn Tăng, Luật Quảng cáo cần kế thừa và kết hợp những giá trị hợp lý trong Luật Thương mại và Pháp lệnh Quảng cáo hiện hành; kiên quyết loại bỏ những gì cản trở xu thế đổi mới, hội nhập. Mặt khác, Luật Quảng cáo cần đột phá theo hướng nhận thức đúng và đầy đủ hơn về quảng cáo, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ xử lý. Việc kết hợp cả tư duy kinh tế và tư duy văn hóa đòi hỏi sự chỉ đạo nhất quán, rành mạch mối quan hệ giữa văn hóa là nền tảng tinh thần và phát triển kinh tế là động lực. Đây là vấn đề văn hóa trong kinh tế cần được xác định ngay để thiết kế Luật Quảng cáo như một mốc son mới trong đổi mới, phát triển và hội nhập của Việt Nam. | Nguyên Anh Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân |