Một vài ý kiến về công chứng hay chứng thực:
Theo như quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP, UBND cấp phường có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, thì một số loại giấy ủy quyền vẫn được cấp phường chứng thực. Về các hợp đồng ủy quyền khác như chuyển sở hữu bất động sản hay tham gia tố tụng thì đây không phải là giao dịch đơn phương mà phát sinh hậu quả pháp lý. Chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể là công chứng được chứng nhận những loại hợp đồng ủy quyền nào, nhưng để tránh rắc rối thì những loại hợp đồng như chuyển sở hữu bất động sản, tham gia tố tụng, hợp đồng chuyển nhượng tài sản, người dân nên đến Phòng công chứng để ký hợp đồng ủy quyền.
Điều 2 Luật Công chứng đã xác định việc công chứng hợp đồng, giao dịch dân sự thuộc thẩm quyền của công chứng viên, của các tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, cũng cần xác định những việc đã thuộc thẩm quyền của công chứng viên thì những người thực hiện chứng thực không chứng thực chữ ký trên văn bản của hợp đồng, giao dịch đó. Việc xác định như thế nào là hợp đồng dân sự, giao dịch dân sự cần theo quy định tại Bộ luật Dân sự: Điều 121 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: "Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự". Điều 388 - Bộ luật Dân sự 2005 quy định: "Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự".
Về chứng thực các hợp đồng, giao dịch khác theo các quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND phường/xã: thì ngoài thẩm quyền chứng thực chữ ký, UBND phường/xã thị trấn vẫn phải thực hiện theo Bộ luật Dân sự, pháp luật về đất đai, nhà ở và khiếu nại tố cáo... thì lại có thẩm quyền khác. Ví dụ: chứng thực di chúc, từ chối nhận di sản (Bộ luật Dân sự); hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (không phải là nhà ở) người đi công chứng, chứng thực có quyền lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND phường/xã nơi có đất (Luật Đất đai); UBND phường/xã cũng chứng nhận giấy ủy quyền cho người có yêu cầu để tham gia giải quyết khiếu nại (theo Luật Khiếu nại tố cáo).
Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Tuy nhiên, ngay từ khi triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc, mà Nghị định chưa điều chỉnh kịp thời hoặc thiếu hướng dẫn cụ thể để tư pháp cấp cơ sở thống nhất thực hiện. Bên cạnh những vướng mắc về cách thức áp dụng thực hiện, tư pháp các quận, huyện, xã phường còn gặp nhiều lúng túng đối với những quy định về chứng thực mang tính thủ tục. Đơn cử như việc Nghị định không quy định cụ thể việc không được chứng thực bản sao từ bản chính hoá đơn, biên lai thu lệ phí, phí... Một khó khăn nữa như việc kiểm tra tính chính xác của các bản dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài (và ngược lại) trong khi trình độ nghiệp vụ hiện tại của các cán bộ tư pháp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu này. Sự xác thực của các bản dịch hiện chỉ phụ thuộc vào cam đoan của người dịch mà không có những căn cứ pháp lý khác đảm bảo việc này. Điều đó rất dễ dẫn tới việc cán bộ tư pháp ký chứng thực mà không hiểu, không biết nội dung chính xác của văn bản mà mình ký là gì.
Theo nhiều chuyên gia thì đã đến lúc Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp cần có sơ kết, đánh giá việc thực hiện các hoạt động công chứng, chứng thực trên phạm vi toàn quốc theo Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP để báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền cho phù hợp, nhằm giúp cho người dân có nhiều sự lựa chọn hơn khi thực hiện các yêu cầu dịch vụ hành chính từ các cơ quan Nhà nước, đồng thời hiểu rõ phạm vi của chứng thực và công chứng. Quy định và hướng dẫn rõ ràng, minh bạch hơn cho người dân được biết khi nào chứng thực và khi nào thì công chứng, trường hợp nào thì chấp nhận cả công chứng và chứng thực.