Có được yêu cầu CSGT kiểm tra lại nồng độ cồn lần 2 không?

Chủ đề   RSS   
  • #609295 13/03/2024

    phucpham2205
    Top 500
    Lớp 5

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (351)
    Số điểm: 6501
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 134 lần
    SMod

    Có được yêu cầu CSGT kiểm tra lại nồng độ cồn lần 2 không?

    Không uống bia, rượu nhưng máy đo lại thể hiện có nồng độ cồn. Vậy có được yêu cầu kiểm tra lần 2 không? Thời gian nồng độ cồn tồn tại trong cơ thể là bao lâu? Khiếu nại CSGT không chấp thuận yêu cầu kiểm tra lại nồng độ cồn thế nào?

    (1) Thời gian nồng độ cồn tồn tại trong cơ thể là bao lâu?

    Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế (Bộ y tế), hiện vẫn chưa có con số chính xác tuyệt đối cho việc uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì mới hết nồng độ cồn trong cơ thể.

    Tùy thuộc vào đặc điểm sinh học, thể trạng của mỗi cá nhân và lượng rượu, bia mà cá nhân đó đã sử dụng thì mới có thể đưa ra chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu.

    Dựa theo cách tính đơn vị cồn trong bia, rượu được quy định cụ thể tại Mục I Phần Hướng dẫn Quyết định 4946/QĐ-BYT như sau:

    Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x Nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi)

    Từ cách tính nêu trên, có thể thấy một đơn vị cồn sẽ tương đương với:

    - 3/4 chai hoặc 3/4 lon bia 330ml (5%).

    - Một chai hoặc một lon nước trái cây/cider/strongbow có cồn loại 330ml (4,5%).

    - Một cốc bia hơi 330ml (4%).

    - Một ly rượu vang 100ml (13,5%).

    - Hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40ml (30%).

    Trường hợp người sử dụng có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn nêu trên. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn thì cơ thể còn phải mất ít nhất từ 1 đến 2 giờ nữa. 

    Do đó, một người khỏe mạnh, không có bệnh gì thì khi uống 1 đơn vị cồn thì cơ thể phải mất từ 2 đến 3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể. Với những người có chức năng gan suy yếu hay cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì cần thời gian lâu hơn để chuyển hoá hết cồn trong máu.

    (2) Có được yêu cầu CSGT kiểm tra lại nồng độ cồn lần 2 không?

    Theo Cảnh sát giao thông cho biết, công dân có quyền được giải trình về hành vi của mình. Nếu không uống rượu, bia mà bị phát hiện có nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện cần giải thích lý do và xin nghỉ ngơi thêm 10 đến 15 phút sau sau đó kiểm tra lại nồng độ cồn lần 2 hoặc xin đổi sang hình thức xét nghiệm nồng độ cồn trong máu (phí xét nghiệm sẽ được chi trả bởi người điều khiển phương tiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA) để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

    Như vậy, trong trường hợp không sử dụng bia, rượu mà kết quả trả về của máy đo lại thể hiện có nồng độ cồn thì tại thời điểm kiểm tra công dân có thể giải thích lý do với tổ công tác, sau đó nghỉ ngơi thêm từ 10 đến 15 phút và yêu cầu kiểm tra lại lần 2 hoặc chuyển sang hình thức xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

    (3) Khiếu nại CSGT không chấp thuận yêu cầu kiểm tra lại nồng độ cồn thế nào?

    Trường hợp không được chấp thuận yêu cầu kiểm tra lại như đã nêu tại mục (2), công dân có thể thực hiện gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp theo quy định tại Điều 8 Luật Khiếu nại 2011 được hướng dẫn bởi Nghị định 124/2020/NĐ-CP như sau:

    Khiếu nại bằng đơn: người khiếu nại sử dụng Mẫu số 01 được ban hành kèm theo Nghị định 124/2020/NĐ-CP trong đó phải đảm bảo ghi rõ các thông tin bao gồm:

    - Ngày, tháng, năm khiếu nại; 

    - Tên, địa chỉ của người khiếu nại; 

    - Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; 

    - Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. 

    - Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

    Xem và tải về Mẫu số 01 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/13/mau-don-khieu-nai.doc

    Khiếu nại trực tiếp: Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định.

    Ngoài ra, công dân còn có thể thực hiện việc khiếu nại qua đường dây nóng của cơ quan chức năng cao hơn, các cơ quan có thẩm quyền cao hơn để được giải quyết.

    Tổng kết lại, việc xác định nồng độ cồn trong cơ thể còn phải tùy thuộc vào lượng bia, rượu mà cá nhân sử dụng và thể trạng của cá nhân đó. Người điều khiển phương tiện không uống rượu bia thì có quyền được yêu cầu kiểm tra lại lần 2 hoặc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Trường hợp không được chấp thuận yêu cầu nêu trên, người điều khiển phương tiện có thể thực hiện khiếu nại theo quy định hoặc liên hệ đến đường dây nóng của cơ quan có thẩm quyền để được kịp thời giải quyết.

     
    517 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (16/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận