Theo thông tin bạn cung cấp thì có thể thấy ở đây bên bán đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đã giao kết hợp đồng, trường hợp này bạn có quyền thực hiện việc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 428
Bộ Luật dân sự 2015:
"Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường."
=>> Như vậy hậu quả pháp lý khi thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng như sau:
1/ Bạn phải thực hiện việc thông báo việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên bán, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2/ Có quyền yêu cầu bên bán thanh toán khoản tiền nghĩa vụ đã thực hiện khi giao kết hợp đồng (với khoản tiền 33 triệu đã thanh toán trước), và một khoản phạt vi phạm hợp đồng nếu có thỏa thuận trong hợp đồng (nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo quy định Điều 301
Luật Thương mại 2005).
3/ Yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế vì việc không giao hàng, giao hàng không đúng thời hạn của bên bán. Ví dụ vì bên bán không giao hàng kịp thời dẫn đến bạn vi phạm nghĩa vụ giao hàng tương ứng với khách hàng hoặc gây đình trệ hoạt động của công ty bạn. Mức bồi thường dựa trên thỏa thuận của hai bên. Trường hợp phải khởi kiện dân sự ra Tòa án thì bạn phải có nghĩa vụ chứng minh được thiệt hại thực tế có xảy ra đó để được bồi thường.
Trình tự thủ tục như sau khởi kiện vụ án dân sự như sau:
Bước 1: Gửi đơn khởi kiện
Gửi đơn khởi kiện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Bước 2: Phân công thẩm phán xem xét đơn
Tòa án sẽ phân công thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:
Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện
Thủ tục thụ lý vụ án.
Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện.
Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Bước 3: Thụ lý vụ án
Trong vòng 05 ngày, nếu đơn yêu cầu đủ điều kiện thụ lý thì Tòa án sẽ thông báo nộp lệ phí để tiến hành thụ lý. Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án sẽ báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp về việc đã thụ lý đơn yêu cầu giải quyết.
Bước 4: Tiến hành hòa giải
Về nguyên tắc, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Nếu hòa giải thành công thì ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nếu hòa giải không thành thì đưa vụ án ra xét xử.
Bước 5: Chuẩn bị xét xử
Trong vòng 01 tháng để chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, ra các quyết định đình chỉ xét đơn, trưng cầu giám định, định giá tài sản, mở phiên tòa giải quyết việc dân sự… Nếu chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì có thể kéo dài thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu nhưng không vượt quá 01 tháng.
Bước 6: Mở phiên tòa sơ thẩm xét xử
Phiên tòa phải được tiến hành đúng địa điểm cũng như thời gian đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra tiến hành xét xử hoặc được ghi trong giấy báo mở lại phiên tòa nếu phải hoãn phiên tòa.