Trước tiên bạn phải xác định rõ nội dung bạn định khiếu nại là gì ? Tôi thử đưa ra 2 trường hợp :
1- Bạn cho rằng việc UBND Huyện lấy đất đã có giấy chủ quyền của chế độ cũ cấp cho mình để cấp cho người khác là sai nên khiếu nại yêu cầu UBND Huyện thu hồi Quyết định giao đất cho người mới ?
2- Bạn khiếu nại để tranh chấp với người đang sử dụng đất để đòi lại đất vì cho rằng đó là đất của mình, bằng chứng là Giấy chủ quyền của chế độ cũ cấp cho bạn ?
Nghe qua có vẻ hai trường hợp này na ná như nhau, nhưng thực ra nó là hai quan hệ pháp luật khác nhau :
- Trường hợp 1 : Bạn phải ghi rõ là đơn khiếu nại, Về việc yêu cầu Huỷ bỏ Quyết định giao đất số...... ngày.......... của UBND Huyện............ Đơn này gởi cho Chủ tịch UBND Huyện và ông này có nghĩa vụ phải giải quyết khiếu nại lần đầu bằng Quyết định giải quyết khiếu nại. Khi có Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Huyện mà bạn không đồng ý thì được chọn 1 trong 2 cách : hoặc khởi kiện án hành chính yêu cầu Toà án huỷ Quyết định của Chủ tịch Huyện ( cả Quyết định giao đất lẩn quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu ), hoặc khiếu nại tiếp đến Chủ tịch UBND Tỉnh. Qua trình bày của bạn, tôi đoán bạn chỉ làm đơn khiếu nại ghi chung chung, đại ý bạn chỉ hỏi UBND Huyện sao đất tôi đã có giấy chủ quyền của chế độ cũ cấp mà lại lấy cấp cho người khác, hoàn toàn không nêu việc bạn yêu cầu UBND Huyện phải thu hồi quyết định giao đất trái pháp luật cho người khác ( theo bạn nghĩ ), cho nên UBND Huyện chỉ ra công văn trả lời, giải thích cho bạn rõ lý do Cơ quan này được quyền giao đất. Đối tượng của Luật khiếu nại tố cáo là Quyết định hành chính và Hành vi hành chính, công văn trả lời của Huyện không phải là Quyết định hành chính nên không thuộc đối tượng khiếu nại theo Luật khiếu nại, tố cáo, do đó Tỉnh không nhận giải quyết lần 2 là đúng.
- Trường hợp 2 : Bạn khiếu nại để đòi lại đất, vì đất của bạn có giấy chủ quyền do chế độ cũ cấp ( tức có 1 trong những loại giấy tờ về QSDĐ theo qui định tại khoản 1 điều 50 Luật đất đai 2003 )nên bạn được quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp của mình, sau khi UBND Xã hòa giải không thành, theo qui định tại khoản 1 điều 136 Luật đất đai 2003. Lúc đó Toà sẽ xem xét chứng cứ hai bên để quyết định QSDĐ là của ai, nghĩa là nếu Quyết định giao đất của UBND Huyện cho người mới ( đây cũng là chứng cứ của người đang sử dụng đất ) là trái pháp luật thì Toà sẽ tuyên họ phải trả đất lại cho bạn, riêng bạn cũng phải trả lời hợp lý trước Toà rằng tại sao đất của mình mà "bỏ bê" lâu thế ? Từ khi có Luật đất đai 1993 tới nay, Nhà nước đã cấp GCNQSDĐ cho hàng loạt trường hợp, bạn có giấy chủ quyền của chế độ cũ sao không làm GCNQSDĐ cho mình ?
Bạn nghiên cứu những gì tôi vừa tư vấn để chọn lựa cho mình cách khiếu nại hiệu quả nhất, đừng mất công chạy lên chạy xuống giữa Huyện và Tỉnh như thế.