Quy trình mua, bán vàng miếng bằng hình thức đấu thầu như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610798 20/04/2024

    motchutmoingay24
    Top 500
    Lớp 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (187)
    Số điểm: 2303
    Cảm ơn: 14
    Được cảm ơn 44 lần


    Quy trình mua, bán vàng miếng bằng hình thức đấu thầu như thế nào?

    Thứ 2, ngày 22/4 sắp tới đây, Ngân hàng nhà nước tiến hành đấu thầu vàng miếng với ít nhất 15 doanh nghiệp kinh doanh vàng. Cùng tìm hiểu quy trình đấu thầu vàng miếng sẽ diễn ra như thế nào qua bài viết dưới đây…

    (1) Đối tượng nào được tham gia đấu thầu vàng miếng?

    Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng, nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

    Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng, loại vàng đấu thầu là vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước sản xuất. Khối lượng tối thiểu cho một lô giao dịch là 100 lượng vàng.

    Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có ít nhất 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu trên tổng 26 đơn vị đăng ký tham gia đấu thầu vàng miếng. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17 giờ ngày nhận thông báo thầu.

    Theo khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Quyết định 563/QĐ-NHNN năm 2013, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia đấu thầu vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp sau:

    - Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đang trong thời gian bị tạm ngừng quan hệ giao dịch hoặc bị hủy quan hệ giao dịch;

    - Người đại diện của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không xuất trình giấy tờ tùy thân theo quy định;

    - Giấy tờ tùy thân không hợp lệ;

    - Người tham dự không phải là người đại diện giao dịch do tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký;

    - Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không tuân thủ quy định về đặt cọc theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quyết định 563/QĐ-NHNN.

    - Sở Giao dịch thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia đấu thầu vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước, trong đó nêu rõ lý do.

    Sở Giao dịch sẽ tiến hành kiểm tra tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và giấy tờ tùy thân của người đại diện tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong 1 giờ kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức đấu thầu (khoản 1 Điều 5 Quyết định 563/QĐ-NHNN).

    Do đó, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện việc đặt cọc đúng hạn để không bị mất tư cách tham gia đấu thầu.

    Trong lần đấu thầu mua, bán vàng miếng lần này, số tiền cọc là 81,80 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng. Khối lượng tối đa được phép đặt thầu là 20 lô, tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng.

    Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.

    (2) Quy trình đấu thầu vàng miếng như thế nào?

    Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 12 Thông tư 06/2013/TT-NHNN ban hành năm 2013 quy định về quy trình mua, bán vàng miếng qua hình thức đấu thầu bao gồm 11 bước sau đây:

    1. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thông báo đấu thầu mua, bán vàng miếng;

    2. Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặt cọc;

    3. Kiểm tra và thông báo tư cách dự thầu của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp;

    4. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thông báo giá mua, bán (đối với đấu thầu theo khối lượng) hoặc giá sàn và/hoặc giá trần (đối với đấu thầu theo giá);

    5. Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nộp phiếu dự thầu mua, bán vàng miếng;

    6. Ngân hàng Nhà nước xét thầu;

    7. Ngân hàng Nhà nước thông báo hủy thầu (nếu có);

    8. Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) công bố kết quả đấu thầu;

    9. Xác nhận giao dịch;

    10. Thanh toán tiền và giao, nhận vàng miếng;

    11. Xử lý tiền đặt cọc.

    Lưu ý: Từ bước 1 đến bước 9 sẽ được thực hiện theo quy định tại Quy trình về mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

    (3) Khi nào hủy gói thầu vàng miếng?

    Trước thời điểm thông báo giá hoặc thông báo kết quả đấu thầu, nếu giá vàng biến động vượt quá mức biến động giá trong phương án mua, bán vàng miếng đã được phê duyệt, Sở Giao dịch hủy thầu và thông báo cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu ( Điều 10 Quyết định 563/QĐ-NHNN)

    Trong đợt đấu thầu lần này, Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý trong trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước quyết định hủy kết quả thầu.

     
    149 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    HuyenVuLS (22/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận