Chào mọi người,
Doanh nghiệp cần nhân viên pháp chế bởi vì:
+ An tâm hơn trong hoạt động vì dù sao cũng có người bên cạnh kiểm tra, tư vấn các vấn đề pháp lý có liên quan đến các hoạt động hàng ngày (ví dụ kiểm tra hợp đồng, cập nhật và theo dõi việc thực hiện tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp), hoặc một vấn đề nào đó đột xuất xảy ra với doanh nghiệp (ví dụ khi có cơ quan có chức năng kiểm tra, khi khách hàng, nhà cung cấp khiếu kiện hoặc khi cần khiếu kiện khách hàng, nhà cung cấp);
+ Phục vụ "tận tâm" và có tính ràng buộc cao hơn (luật sư bên ngoài đâu phải lúc nào cũng có mặt để sếp hỏi, yêu cầu luật sư làm thêm giờ, ngoài giờ không phải là dễ dàng, khi không muốn hoặc ngại rủi ro thì luật sư có thể từ chối khi đó kiếm luật sư khác đâu phải một sớm một chiều là có ngay. Còn đối với nhân viên pháp chế những chuyện này là chuyện nhỏ, nhân viên pháp chế đâu dám cãi lệnh hoặc lấy lý do là không biết để từ chối)
+ Chi phí "nuôi" nhân viên pháp chế thường không cao bằng chi phí ký hợp đồng tư vấn pháp luật với một luật sư, mà các hợp đồng tư vấn này thường có các điều khoản ràng buộc phức tạp (phạm vi công việc, số lượng câu hỏi trong tháng, tính thêm phí khi có vấn đề phát sinh, miễn trừ trách nhiệm ....)
+ Có thể kiểm soát được chất lượng công việc thông qua kết quả công việc mà nhân viên pháp chế thực hiện (nếu thấy không ổn thì đuổi cổ thuê người khác ngay, chứ thuê luật sư bên ngoài nhằm đúng mấy ông trời ơi không có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoặc "nổ" quá thì tiền mất tật mang còn sự việc lại không xử lý được)
Vì vậy đối với các doanh nghiệp có đụng chạm nhiều đến vấn đề pháp lý (ví dụ lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) hoặc dễ có khiếu nại, khiếu kiện do thanh toán nợ nần (ví dụ điện, nước, ...) thì nhân viên pháp chế (ở một số tổ chức nước ngoài có khi được gọi là in-house lawyer) là phương án hiệu quả nhất cho doanh nghiệp, nếu không muốn đối mặt với các rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động.
Dĩ nhiên nhân viên pháp chế cũng có một số hạn chế (giống như hạn chế của kế toán doanh nghiệp so với kiểm toán viên), đó là:
+ Kiến thức thường mang tính chuyên sâu mà không rộng nên có thể gặp khó khăn khi gặp các vấn đề, lĩnh vực mới, lạ (dĩ nhiên là mới và lạ đối với nhân viên pháp chế thôi)
+ Do không hoạt động trong một tổ chức hành nghề chuyên nghiệp nên ít có cơ hội va chạm các vấn đề pháp lý để nâng cao kinh nghiệm, kiến thức xử lý.
+ Ít có cơ hội cập nhật và nâng cao kiến thức nghề nghiệp. Nếu nhân viên pháp chế thiếu tính chủ động cập nhật kiến thức cho mình thì rất dễ bị lạc hậu
+ Dễ bị sức ỳ do hoạt động lâu ngày trong một lĩnh vực.
Tuy nhiên các hạn chế nêu trên có thể được khắc phục nếu nhân viên pháp chế tham gia vào các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp.
Luật được sinh ra để phục vụ con người chứ không phải để cai trị.