Chào mọi người!
Chủ đề của bạn DuongKimTin rất thú vị và là vấn đề đáng quan tâm trong xã hội hiện nay. Để biết được vai trò của pháp chế trong doanh nghiệp thì trước hết chúng ta phải hiểu ý nghĩa của hai từ "pháp chế" là gì. Theo tự điển pháp lý Việt Nam thì "pháp chế" có nghĩa là "Chế độ tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh hiến pháp và pháp luật của mọi cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã xã hội, đơn vị vũ trang và mọi công dân". Như vậy, có thể nói công tác pháp chế trong doanh nghiệp là việc doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của mình. Đến đây có thể nói, công tác pháp chế tại doanh nghiệp không đơn giản do hoạt động doanh nghiệp luôn gắn liền với rất nhiều quy định pháp luật liên quan (luật doanh nghiệp, luật thuế, luật hải quan, luật tài chính, luật chứng khoán, luật lao động...) và điều này đòi hỏi nhân viên pháp chế phải có kiến thức rộng về pháp luật lẫn kinh nghiệm thực tiễn.
Tuy nhiên, hiện nay một số các doanh nghiệp lại ít quan tâm đến công tác pháp chế (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) vì họ cho rằng đã có các dịch vụ pháp lý bên ngoài hỗ trợ hoặc có thể tự tìm hiểu pháp luật trong quá trình hoạt động nên đã không tổ chức bộ máy pháp chế trong doanh nghiệp. Đây có lẽ là nhận định sai lầm của một số doanh nghiệp vì nếu không tổ chức bộ máy pháp chế trong nội bộ doanh nghiệp thì có thể khiến họ gặp rủi ro trong quá trình hoạt động do không nắm rõ, kịp thời các quy định của pháp luật hoặc tốn kém chi phí để thuê dịch vụ pháp lý bên ngoài. Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù Nghị định này chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên các doanh nghiệp khác cũng có thể áp dụng nội dung nghị định này để định hướng xây dựng tổ chức pháp chế cho riêng mình (Nhà nước khuyến khích).
Bản thân tôi cho rằng, làm công tác pháp chế trong doanh nghiệp không dễ nhưng cũng không khó. Không dễ ổ chổ nhân viên pháp chế phải có kiến thức bao quát toàn bộ tất cả các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động doanh nghiệp để kịp thời tư vấn cho chủ doanh nghiệp trong quá trình quản lý, hoạt động. Tuy nhiên, công tác pháp chế vẫn không khó vì làm công tác pháp chế cũng giống như bất kỳ công việc nào, nếu bạn có kế hoạch làm việc, cách giải quyết vấn đề, đặc biệt là "tư duy pháp lý" thì mọi khó khăn sẽ vượt qua.
VD: Khi chủ doanh nghiệp yêu cầu bạn thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì nếu chưa có kinh nghiệm thì bạn có thể học hỏi từ những người có kinh nghiệm hoặc lên trang web của Sở KH&ĐT nghiên cứu cách giải quyết. Sau khi nắm được trình tự thực hiện công việc thì bạn tham mưu cho bộ phận chịu trách nhiệm thực hiện (Phòng hành chính chẳng hạn) hoặc nếu bạn trực tiếp thực hiện thì bạn phải soạn thảo các biểu mẫu và chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để thực hiện việc đăng ký...Có thể lúc đầu sẽ gặp khó khăn nhưng khi bạn "trãi nghiệm" rồi thì nó sẽ không làm khó bạn được nữa.
Như một số bạn đã nêu ý kiến ở trên, làm công tác pháp chế có thể bị một số các bộ phận khác "đì" bằng cách yêu cầu bạn tư vấn hoặc làm luôn các công việc của họ (công việc đòi hỏi phải có chuyên môn liên quan đến pháp lý, vì dụ: nhân sự, tiền lương...). Nhưng bạn yên tâm, mọi việc đều xuất pháp từ các quy định của pháp luật và việc tư vấn cũng không gây trở ngại cho bạn nếu bạn có cách làm việc riêng của mình, đôi khi điều này lại giúp mình có thêm nhiều kiến thức pháp luật. Mặc khác, đối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân viên/chuyên viên pháp chế thì họ đã chuẩn bị sẵn yêu cầu công việc (hoặc bản mô tả công việc) để bạn biết và thực hiện, rạch ròi với các công việc của nhân viên khác, do đó cũng không cần bận tâm lắm về việc này.
Nói tóm lại, công tác pháp chế trong doanh nghiệp là một trong những yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Có pháp chế trong doanh nghiệp sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro, những tổn thất do không nắm bắt các quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp. Công tác pháp chế đòi hỏi nhân viên pháp chế phải có kiến thức pháp luật rộng, bao quát tất cả các lĩnh vực liên quan đến hoạt động doanh nghiệp (tùy quy mô, tổ chức của từng doanh nghiệp) và quan trọng nhất là tinh thần cầu tiến, đam mê pháp luật của nhân viên pháp chế. Tôi tin rằng trong tương lai gần công tác pháp chế sẽ được tất cả các doanh nghiệp quan tâm và nhân viên pháp chế sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình "sinh tồn" của doanh nghiệp.
Trên đây là một số quan điểm cá nhân chia sẽ chủ đề của bạn DuongKimTin.