XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG KHỞI KIỆN ÁN HÀNH CHÍNH
Năm 1996 ông A được cấp GCN đối với thửa đất số 111. Năm 1998 ông chuyển nhượng cái ao không rõ diện tích thuộc một phần thửa đất 111 cho ông D bằng giấy tay vì đã có thông tin qui hoạch nên không được làm Hợp đồng chuyển nhượng theo qui định. Năm 2000 Nhà nước thu hồi thửa 111 để thực hiện dự án khu dân cư X. Để thực hiện việc kiểm tra hiện trạng sử dụng đất và thu hồi, bồi thường, UBND Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo kiểm tra hiện trạng và thực hiện bồi thường khu dân cư X (Ban chỉ đạo). Ban chỉ đạo đã đo đạc xác định diện tích cái ao là 1.771m2 và bồi thường cho ông D theo diện tích này, ông D đã ký nhận và cam kết không khiếu nại gì về sau. Năm 2014 ông A là Nguyên đơn trong một vụ án có liên quan tới thửa đất 111, do đó Tòa án đã yêu cầu đo đạc toàn bộ thửa 111, gồm cả cái ao. Đơn vị đo đạc lần này là Trung tâm kiểm định bản đồ và tư vấn tài nguyên môi trường của Sở tài nguyên môi trường tỉnh, kết quả đo đạc thể hiện bằng Bản đồ hiện trạng vị trí cho thấy cái ao có diện tích là 2108,7m2.
Ngày 8/5/2018 Luật sư của ông D khi thu thập chứng cứ để giải quyết một vụ án khác đã tình cờ phát hiện Bản đồ hiện trạng vị trí thửa 111 đo đạc năm 2014 nêu trên nên đã sao chụp và thông báo cho ông D biết có sự chênh lệch diện tích của cái ao mà ông đã được bồi thường năm 2000. Sau đó ông D đã khởi kiện hành vi đo đạc của Ban chỉ đạo vì cho rằng Ban này đã có hành vi đo đạc trái pháp luật khiến ông bị thiệt hại quyền lợi do bị mất 337,7m2 (2108,7m2 - 1771m2) không được bồi thường. Tòa án nhân dân Quận đã nhận đơn nhưng xảy ra việc tranh luận giữa 2 quan điểm:
- Quan điểm 1: Ban chỉ đạo là đơn vị trực thuộc UBND Huyện, không có con dấu riêng nên đối tượng khởi kiện trong trường hợp này phải là hành vi hành chính của UBND Huyện, cần thông báo cho người khởi kiện sửa chữa, bổ sung đơn khởi kiện về người bị kiện, nếu người khởi kiện sửa chữa, bổ sung thì sẽ chuyển vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.
- Quan điểm 2 : Hành vi đo đạc trái pháp luật do nhân viên của Ban chỉ đạo thực hiện theo sự phân công của Ban chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai của Ban chỉ đạo do UBND Huyện giao hợp pháp, năm 2000 Ban chỉ đạo không có con dấu nhưng sau đó UBND Huyện đã thành lập Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (Ban bồi thường) có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và là cơ quan kế thừa quyền, nghĩa vụ của Ban chỉ đạo, do đó ông D khởi kiện hành vi hành chính trái pháp luật của Ban chỉ đạo do Ban bồi thường kế thừa quyền, nghĩa vụ là đúng, Tòa án nhân dân quận phải thụ lý và giải quyết theo thẩm quyền.
Tranh luận giữa 2 quan điểm đó vẫn chưa ngã ngũ nên đã chậm 1 tuần so với phiếu hẹn nhận kết quả giải quyết Đơn mà ông D vẫn chưa nhận được phản hồi của Tòa án Quận. Việc xác định đối tượng khởi kiện, người bị kiện trong án hành chính là khó và rất quan trọng bởi phải xác định đúng thì mới xác định đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết (đối tượng là hành vi hành chính của Ban chỉ đạo thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Quận, đối tượng là hành vi hành chính của UBND Huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tỉnh), xác định sai sẽ dẫn tới tòa án có thẩm quyền giải quyết sai, Bản án chắc chắn sẽ bị hủy do xét xử trái thẩm quyền. Vậy theo các bạn, trường hợp này quan điểm nào đúng, quan điểm nào sai ?
Cập nhật bởi TranTamDuc.1973 ngày 26/08/2018 12:13:25 CH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG THƯỢNG - 0907 829 557
231/3A đường Chiến Lược, KP 18, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, TPHCM