Nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc xương sống trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Đây là nguyên tắc đảm bảo quyền con người trong hệ thống pháp luật.
Theo Công Ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị 1966:
“Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của Tòa án với sự bảo đảm đầy đủ khả năng bào chữa của người đó”.
Là một quốc gia đã tham gia công ước, Việt Nam đã có nhiều quy định nhằm nội luật hóa tinh thần của Công Ước.
Theo Điều 31 Hiến Pháp 2013, nguyên tắc này được nêu rõ "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật."
Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Quá trình giải quyết một vụ án hình sự được trải qua các bước khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Việc một cá nhân bị nghi ngờ dính líu tới một vụ án nào đó chỉ là giả định. Quá trình giải quyết vụ án là con đường tìm kiếm chân lý.
Giả định được đặt ra có thể đúng cũng có thể sai. Do đó, không được phép áp đặt tội danh lên người khác khi chưa có cơ sở rõ ràng. Mà cơ sở ở đây chính là Bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Việc áp đặt nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của bản thân là bất hợp lý. Vì vụ án hình sự được giải quyết cần có đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ để thu thập chứng cứ.
Việc bắt người khác chứng minh mình vô tội không khác gì dồn họ vào thế bí. Đồng thời trách nhiệm chứng minh phải thuộc về người buộc tội. Họ muốn buộc tội một người nào đó, bắt buộc phải đưa ra những chứng cứ chứng minh.
Mọi nghi ngờ trong quá trình chứng minh tội phạm của người bị tình nghi, bị can, bị cáo nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo .
Nếu việc thu thập các chứng cứ mà không đủ để buộc tội thì phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Đây cũng là một trong những khía cạnh nhằm đảm bảo quyền suy đoán vô tội, tránh tình trạng bắt oan người vô tội.
Việc quy định điều tra phải tuân theo trình tự, thủ tục do luật định nhằm đảm bảo tính khách quan trong quá trình xử lý vụ việc. Qua đó, không chỉ đảm bảo quyền cho người bị buộc tội mà còn giữ vững sự nghiêm minh của pháp luật.
Theo đó, nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc đảm bảo quyền con người trong quan hệ pháp luật hình sự. Đồng thời cũng là nguyên tắc giúp tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà Nước trong việc xử lý tội phạm.
Minh Trang