Người sử dụng nên ký hợp đồng gì với người lao động thực hiện công việc tạp vụ

Chủ đề   RSS   
  • #602099 26/04/2023

    Người sử dụng nên ký hợp đồng gì với người lao động thực hiện công việc tạp vụ

    Hợp đồng dịch vụ và hợp đồng lao động khác nhau như thế nào? Đối với người lao động làm công việc tạp vụ thì nên ký loại hợp đồng gì để không phải đóng BHXH cũng như không bị áp đặt mức lương tối thiểu vùng, 01 năm ký Hợp đồng 01 lần có vi phạm pháp luật?

     

    Hợp đồng dịch vụ và hợp đồng lao động khác nhau như thế nào?

    Căn cứ Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định về Hợp đồng lao động thì:

     

    - Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

     

    Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

     

    - Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

     

    Mặt khác, Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định về hợp đồng dịch vụ thì Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

     

    Như vậy, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động trong nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên. Còn Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, một bên cung ứng dịch vụ, thực hiện công việc cho bên sử dụng và bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

     

    Đối với người lao động làm công việc tạp vụ thì nên ký loại hợp đồng gì để không phải đóng BHXH?

    Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

     

    - Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

     

    - Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

     

    Như vậy, để không phải đóng tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động thì người sử dụng lao động sẽ ký kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 3 tháng hoặc hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng. 

     

    Tuy nhiên, điểm c khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật Lao động 2019

     

    Do đó, dù ký kết hợp đồng lao động đúng thời gian để không phải đóng BHXH bắt buộc thì đến lần thứ 03 ký hợp đồng thì người sử dụng lao động phải ký kết hợp động không xác định thời hạn.

     

    Mặt khác, Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 thì Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

     

    Đồng thời, Điều 514 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

     

    Như vậy, Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận của các bên, bên sử dụng dịch vụ yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện các công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và trả tiền dịch vụ cho bên cũng ứng dịch vụ. Do đó, việc hàng năm người sử dụng lao động có thể ký hợp đồng dịch vụ với nhân viên tạp vụ là không trái với quy định của pháp luật.

     
     
    1241 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận