Một số thông tin về việc cấp Giấy phép môi trường hiện hành

Chủ đề   RSS   
  • #602065 25/04/2023

    nguyenduy303
    Top 500
    Male


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (295)
    Số điểm: 2154
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 53 lần


    Một số thông tin về việc cấp Giấy phép môi trường hiện hành

    Khi thực hiện một dự án đầu tư, không ít nhà đầu tư quan tâm đến việc dự án của mình có thuộc trường hợp phải có giấy phép môi trường hay không, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một vài thông tin cơ bản về vấn đề đó.

    1. Định nghĩa giấy phép môi trường và đối tượng phải có giấy phép môi trường

    Tại khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 định nghĩa giấy phép môi trường văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

    Những đối tượng sau theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020 phải có giấy phép môi trường, bao gồm:

    (1) - Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

    (2) - Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như đối tượng (1).

    Như vậy, nếu thuộc vào một trong những trường hợp trên thì phải xin giấy phép môi trường khi thực hiện dự án. Tuy nhiên, nếu Dự án thuộc đối tượng (1) thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.

    2. Thời hạn của giấy phép môi trường và thẩm quyền cấp giấy phép môi trường

    Theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì thời hạn của giấy phép môi trường được quy định như sau:

    - 07 năm đối với dự án đầu tư nhóm I;

    - 07 năm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I;

    - 10 năm đối với đối tượng không thuộc 02 trường hợp trên;

    - Thời hạn của giấy phép môi trường có thể ngắn hơn thời hạn quy định nêu trên theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

    Thẩm quyền cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:

    - Bộ Tài nguyên và Môi trường: cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an):

    + Đối tượng (1), (2) được nêu tại Mục 1 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

    + Đối tượng (1), (2) được nêu tại Mục 1 nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.

    - Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.

    - UBND cấp tỉnh: cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an):

    + Dự án đầu tư nhóm II được nêu tại Mục 1;

    + Dự án đầu tư nhóm III được nêu tại Mục 1 nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;

    + Đối tượng (2) được nêu tại Mục 1 đã được UBND cấp tỉnh hoặc Bộ, cơ quan ngang Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

    - UBND cấp huyện: cấp giấy phép môi trường đối với đối tượng còn lại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND cấp tỉnh.

    3. Thời hạn cấp giấy phép môi trường

    Theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì thời hạn cấp giấy phép môi trường được tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau:

    - Không quá 45 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

    - Không quá 30 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện;

    - Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có thể quy định thời hạn cấp giấy phép môi trường ngắn hơn so với thời hạn nêu trên phù hợp với loại hình, quy mô, tính chất của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

    Trên đây là một số thông tin cần lưu ý về đối tượng phải có Giấy phép môi trường, thời hạn của giấy phép môi trường, thẩm quyền cấp giấy phép môi trường và thời hạn cấp giấy phép môi trường.

     
    124 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận