Một số kinh nghiệm giải quyết các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em

Chủ đề   RSS   
  • #517722 04/05/2019

    lamkylaw
    Top 100
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2018
    Tổng số bài viết (660)
    Số điểm: 14232
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 612 lần


    Một số kinh nghiệm giải quyết các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em

    Một số kinh nghiệm giải quyết các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em

    Trong thời gian gần đây, tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn biến phức tạp, tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận.

    Tuy nhiên, việc phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra loại tội phạm này còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế giải quyết các vụ án xâm phạm tình dục đối với trẻ em, Kiểm sát viên chia sẻ một số kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em.

     Quá trình giải quyết các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em, các cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

    Các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em thường xảy ra ở nơi vắng vẻ, chỉ có đối tượng và nạn nhân tại hiện trường, không có người làm chứng trực tiếp, trong khi các đối tượng bị tố cáo thường là ngoan cố, khai báo quanh co, chối tội hoặc chỉ nhận một phần hành vi phạm tội như chỉ nhận có hành vi dâm ô nhằm chối tội hoặc do bộ phận sinh dục của bị hại còn quá nhỏ vì chưa phát triển đầy đủ, khi bị xâm hại, các cháu thường dãy dụa, la hét kêu đau nên hầu như hành vi giao cấu đều ở mức độ chưa đạt về hậu quả. Có bị can khai khi thực hiện hành vi giao cấu, đã không thể đưa được dương vật vào sâu trong âm đạo của nạn nhân, vì còn quá nhỏ, hoặc bị can chỉ có ý định cọ sát dương vật của mình vào âm hộ của nạn nhân nhằm thỏa mãn dục vọng. Có bị can chối tội, chỉ khai nhận dùng ngón tay đưa vào âm đạo của nạn nhân hoặc chỉ có hành vi sờ mó, hôn vào phận sinh dục của nạn nhân.... dẫn đến quan điểm khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ và xác định tội danh của người thực hiện hành vi phạm tội.

    Trong một số vụ án về hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, việc xác định tuổi của người bị hại gặp nhiều khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không xác định được chính xác tuổi của người bị hại để xác định người bị hại có phải là trẻ em hay không. Có trường hợp bị hại không có giấy khai sinh gốc, hoặc có giấy khai sinh nhưng ngày, tháng, năm sinh không chính xác hoặc giấy khai sinh chỉ ghi năm sinh. Có vụ án cha mẹ người bị hại nhớ nhầm ngày sinh của người bị hại (ngày âm lịch, ngày dương lịch).

     Khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử đối tượng về các tội xâm hại tình dục trẻ em, thì cần phải có kết luận giám định pháp y và những vật chứng có liên quan để làm căn cứ, khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội. Có nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, gia đình biết nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết do lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của các em, dẫn đến trình báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng, nên đã vô tình tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết. Có một số trường hợp, sau khi bị xâm hại tình dục suốt một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội do sợ danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (vùng kín bị hóa sẹo, không thu được tinh dịch…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm hay không và ai là người thực hiện hành vi.

     Sự phối hợp và kết quả trả lời của các cơ quan liên quan cũng làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Như cơ quan y tế và thăm khám ban đầu không mô tả rõ, không mô tả chi tiết, đầy đủ các thương tích trên cơ thể nạn nhân dẫn đến kết quả giám định của cơ quan có thẩm quyền cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó kết quả giám định là căn cứ quan trọng để xác định chính xác tội danh đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, ngay từ ban đầu các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn để có kết quả chính xác giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ quyết định giải quyết vụ việc.

    Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã được mở rộng hợn so với Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Trong Bộ luật Hình sự 2015 có quy định “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”, đây là quy định phù hợp với xu thế của sự phát triển xã hội và phù hợp với thực trạng xã hội. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”. Có quan điểm cho rằng: “hành vi quan hệ tình dục khác” được xác định là hành vi nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình với người khác dưới những hình thức nhất định: Như quan hệ bằng miệng, đường hậu môn, đưa ngón tay, dụng cụ tình dục vào âm đạo nhằm tạo ra hưng phấn tình dục. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng “hành vi quan hệ tình dục khác” như quan hệ bằng miệng, đường hậu môn… đây chỉ là bước khởi động để quan hệ tình dục. Vì vậy, để hiểu được, hiểu đúng cụm từ thực hiện“hành vi quan hệ tình dục khác” cũng cần được liên ngành Trung ương có hướng dẫn sớm để việc thực hiện không gặp nhiều khó khăn cũng như tránh bỏ lọt tội phạm.

    Từ thực tiễn áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em, đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau đây:

    Cần có phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ngay từ khi bắt đầu tiếp nhận đơn tố cáo của gia đình bị hại. Cần thực hiện ngay một số hoạt động như: kịp thời thu giữ dấu vết vật chất đặc biệt là lông, tóc, sợi, dịch, máu, quần áo, công cụ trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; yêu cầu Cơ quan điều tra đưa ngay nạn nhân đi khám sản phụ khoa, kiểm tra xem xét toàn bộ các dấu vết nghi có liên quan trên thân thể nạn nhân; Công tác khám nghiệm hiện trường phải kịp thời, tỉ mỉ, toàn diện để đánh giá lời khai của bị hại có căn cứ hay không, sau đó là căn cứ để đấu tranh với bị can, thu giữ mẫu vật liên quan vụ án để giám định. Đồng thời, ra Quyết định trưng cầu giám định pháp y về tình dục đối với nạn nhân; Trưng cầu giám định dấu vết sinh học trong trường hợp thu giữ được các dấu vết tinh dịch; dấu vết lông, tóc... vì đây là những chứng cứ quan trọng để truy nguyên đối tượng.

    Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ kết quả khám thương ban đầu về các tổn thương bên ngoài bộ phận sinh dục của nạn nhân, từ đó kiểm sát chặt chẽ các nội dung cần phải trưng cầu giám định pháp y về tình dục, làm rõ hậu quả của vụ án.Kiểm sát viên phải thực sự trách nhiệm, luôn bám sát các hoạt động điều tra, phối hợp chặt chẽ với Điều tra thực hiện các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ đảm bảo theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình xét xử, chủ động phối hợp với Tòa án nhằm sớm đưa các vụ án ra xét xử, đề nghị mức án nghiêm khắc, tương xứng với hành vi bị cáo để Hội đồng xét xử đưa ra bản án có mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội. Đồng thời, trong quá trình xét xử phải đảm bảo các quyền của trẻ em, người chưa thành niên theo nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”.

    Cơ quan điều tra cần khẩn trương lấy lời khai bị hại, đối tượng, nhân chứng; làm rõ người bị hại bị xâm hại tình dục một lần hay nhiều lần? Thời gian, không gian, địa điểm chính xác, hình thức, thủ đoạn của hành vi xâm hại; xem vụ án có đồng phạm hay không? bị can có tiền án tiền sự không? Bảo đảm để bị hại được thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị hại đặc biệt là trẻ em; tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em... Kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền cử người giám hộ, người đại diện, người thực hiện trợ giúp pháp lý, người bào chữa, bào chữa viên nhân dân để tham gia tố tụng đối với bị hại là trẻ em.

     Theo vkshanoi.gov.vn

    Xem thêm:

    >>> Phân biệt hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô và giao cấu theo quy định mới

     

     
    2752 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lamkylaw vì bài viết hữu ích
    HuyenVuLS (06/05/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận