Chào ông!
1. Di sản dùng vào việc thờ cúng được xác định trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 670 Bộ Luật dân sự năm 2005:
"Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật".
2. Ngôi nhà gần 200 tuổi của gia đình ông về thực tế là di sản dùng vào việc thờ cúng nhưng về mặt pháp lý không được coi là di sản dùng vào việc thờ cúng vì không bảo đảm điều kiện nêu trên.
3. Đối với phần di sản của bố ông để lại thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án chia thừa kế đã hết, người nào đang quản lý thì có quyền tiếp tục quản lý nhà đất đó theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, phần di sản của bố ông để lại có thể chuyển thành tài sản chung của các thừa kế và được chia, nếu đủ điều kiện theo quy định tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
"2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung".
4. Cha mẹ ông kết hôn dưới chế độ phong kiến, về nguyên tắc thì nhà đất trên là tài sản chung của cha và mẹ ruột của ông, mẹ ông có 50% khối tài sản này, mẹ ông chết trước cha ông (trước năm 1980) nên phần di sản của mẹ ruột ông thuộc về những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất (bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của mẹ ruột ông). Vì vậy, phần di sản của mẹ ruột ông là tài sản chung của ông và những người thừa kế, ông có thể khởi kiện để đòi lại tài sản này.
Theo quy định tại điểm b tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
"b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản".
Chúc ông đạt được nguyện vọng!