Chào bạn!
Bạn tham khảo nội dung tư vấn của Luật sư Lê Văn Hoan ở trên. Tôi bổ sung như sau:
Điều 20 BLHS năm 1999, sửa đổi 2009 quy định:
"Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm."
Như vậy, nếu đồng phạm mà có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội, có sự phân công, phân nhiệm (người chủ mưu, cầm đầu, người thực hành, giúp sức... bàn bạc, thống nhất phương án hành động phạm tội...) thì sẽ là tội phạm có tổ chức và là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc là tình tiết định khung tăng nặng.
Bạn có thể tham khảo quy định sau đây của Nghị quyết số 02/HĐTP/NQ ngày 16/11/1988 (Hướng dẫn Bộ luật hình sự năm 1985) để phân biệt đồng phạm giản đơn với tội phạm có tổ chức, cụ thể như sau:
"Bộ luật hình sự quy định: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Do đó cần phải phân biệt phạm tội có tổ chức với những trường hợp đồng phạm khác, vì phạm tội có tổ chức là một trong những tình tiết tăng nặng quy định ở điều 39 Bộ luật hình sự; và đối với nhiều tội phạm, phạm tội có tổ chức còn là một tình tiết định khung hình phạt cao hơn. Việc xác định phạm tội có tổ chức nhiều khi còn có hậu quả là Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền xét xử vụ án, và nếu khung hình phạt được áp dụng có mức cao nhất là tử hình, thì điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự còn quy định là Hội đồng xét xử phải có 5 người (2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân) và điều 37 quy định là nếu bị cáo không nhờ người bào chữa thì Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị cáo.
Thực tiễn xét xử cho thấy do chưa có quan niệm thống nhất cho nên một số Tòa án đã lẫn lộn phạm tội có tổ chức quy định ở khoản 3 điều 17 Bộ luật hình sự với những trường hợp đồng phạm khác. Vì vậy để phân biệt phạm tội có tổ chức với những trường hợp đồng phạm khác cần phải chú ý đến các vấn đề sau đây:
1- Trong phạm tội có tổ chức và những trường hợp đồng phạm khác đều phải có từ 2 người trở lên cố ý cùng tham gia phạm tội và có sự nhất trí của những người cùng thực hiện tội phạm. Nếu cùng thực hiện tội phạm mà không có sự nhất trí thì không phải là đồng phạm (thí dụ: nhiều người cùng vào hôi của ở một nhà bị cháy, nhưng không có bàn bạc trước hoặc xúi giục nhau phạm tội).
2- Nói chung, trong các trường hợp đồng phạm những người phạm tội thường có bàn bạc trước và sự phân công thực hiện tội phạm, nhưng không phải bắt cứ trường hợp nào có bàn bạc trước và có phân công thực hiện tội phạm đều là phạm tội có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Vì vậy, nếu việc thực hiện tội phạm giản đơn, không đòi hỏi phải có sự tính toán và chuẩn bị kỹ càng, chu đáo thì không phải là phạm tội có tổ chức. Thí dụ: Hai thanh niên muốn có tiều tiêu, nên rủ nhau đi ăn cắp xe đạp, khi gặp người để xe sơ hở đã phân công một người canh gác và một người lấy xe…
3- Phạm tội có tổ chức phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong thực tế, sự câu kết này có thể thể hiện dưới các dạng sau đây:
a) Những người đồng phạm đã tham gia một tổ chức phạm tội như: đảng phái, hội, đoàn phản động, băng, ổ trộm, cướp… có những tên chỉ huy, cầm đầu. Tuy nhiên, cũng có khi tổ chức phạm tội không có những tên chỉ huy, cầm đầu mà chỉ là sự tập hợp những tên chuyên phạm tội đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội. Thí dụ: sau khi đã hết hạn tù, một số tên chuyên trộm cắp đã tập hợp nhau lại và thống nhất cùng nhau tiếp tục hoạt động phạm tội.
b) Những người đồng phạm đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước. Thí dụ: một số nhân viên nhà nước đã thông đồng với nhau tham ô nhiều lần; một số tên chuyên cùng nhau đi trộm cắp; một số tên hoạt động đầu cơ, buôn lậu có tổ chức đường dây để nắm nguồn hàng, vận chuyển, thông tin về giá cả…
c) Những người đồng phạm chỉ thực hiện tội phạm một lần, nhưng đã tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện hoạt động và có khi còn chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm. Thí dụ: Trong các trường hợp trộm cắp, cướp tài sản của công dân mà có phân công điều tra trước về nơi ở, quy luật sinh hoạt của gia đình chủ nhà, phân công chuẩn bị phương tiện và hoạt động của mỗi người đồng phạm; tham ô mà có bàn bạc trước về kế hoạch sửa chữa chứng từ sổ sách, hủy chứng từ, tài liệu hoặc làm giả giấy tờ; giết người mà có bàn bạc hoặc phân công điều tra sinh hoạt của nạn nhân, chuẩn bị phương tiện và kế hoạch che giấu tội phạm v.v…
4- Đối với những trường hợp pháp luật quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt theo cao hơn (xem các điều 94, 95, 96, 97, 99, 101, 112, 115, 129, 132, 134, 148, 149, 151, 152, 154, 155, 157, 166, 172, 201, 212, 226, 227, 245 Bộ luật hình sự) thì hành vi của người phạm tội phải được xét xử theo khung đó và không viện dẫn thêm điểm a khoản 1 điều 39 Bộ luật hình sự, tức là phải căn cứ vào vai trò trách nhiệm và nhân thân của mỗi người phạm tội. Nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của khoản 3 điều 38 Bộ luật hình sự thì đối với người phạm tội có tổ chức, Tòa án vẫn có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, nhưng phải nêu rõ lý do trong bản án.
5- Nếu xác định là phạm tội có tổ chức, nhưng không phải là trường hợp Bộ luật hình sự quy định là tình tiết nặng định khung hình phạt cao hơn thì Tòa án áp dụng điểm a khoản 1 điều 39 Bộ luật hình sự và quyết định mức hình phạt nghiêm khắc hơn những trường hợp bình thường, nhưng không được vượt quá mức cao nhất của khung hình phạt được áp dụng. Thí dụ: đối với tội cưỡng đoạt tài sản của công dân (điều 153 Bộ luật hình sự) nếu là phạm tội có tổ chức, nhưng không có tình tiết quy định ở khoản 2 (như chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn, gây hậu quả nghiêm trọng khác, tái phạm nguy hiểm) thì vẫn áp dụng khoản 1 điều 153, quyết định mức án nghiêm khắc hơn những trường hợp phạm tội không có tổ chức, nhưng hình phạt cao nhất không được vượt quá 3 năm tù.
6- Ngoài các trường hợp phạm tội có tổ chức như đã nêu trên đây, Bộ luật hình sự còn quy định những trường hợp tổ chức thực hiện tội phạm thành những tội danh riêng biệt. Đó là những trường hợp được quy định ở điều 88 (tổ chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép), điều 145 (tội tổ chức tảo hôn), điều 200 (tội tổ chức đánh bạc), điều 203 (tội tổ chức dùng chất ma túy). Trong những trường hợp này người phạm tội là người đứng ra tổ chức người khác thực hiện tội phạm, đồng thời cũng có thể là người cùng thực hiện tội phạm đó. Thí dụ: người đứng ra rủ rê, tổ chức người khác trốn đi nước ngoài để lấy tiền, vàng…và bản thân người đó cùng với họ trốn đi nước ngoài. Bộ luật hình sự đã quy định những trường hợp này thành những tội riêng biệt với hình phạt riêng, nên không vận dụng thêm tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức theo điểm a khoản 1 điều 39 Bộ luật hình sự nữa."