Chào bạn !
Nội dung bạn hỏi có một số vấn đề pháp lý có liên quan như sau:
1. Sử dụng công cụ hỗ trợ:
Việc sử dụng công cụ hỗ trợ được quy định tại Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
....
9. Công cụ hỗ trợ gồm:
a) Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này;
b) Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;
c) Các loại lựu đạn khói, lựu đại cay, quả nổ;
d) Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khoá số tám, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn;
đ) Động vật nghiệp vụ.
Điều 30. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ
1. Công cụ hỗ trợ được trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật.
2. Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với công an nhân dân; chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng khác.
Điều 33. Sử dụng công cụ hỗ trợ
1. Người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 22 của Pháp lệnh này;
b) Ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người khác,
c) Bắt giữ người theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc sử dụng đối với từng loại công cụ hỗ trợ.
Thông tư số 30/2012/TT-BCA hướng dẫn như sau:
Điều 16. Điều kiện cơ sở, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ
1. Đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 26 Nghị định.
2. Phù hợp với quy hoạch về cơ sở, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Việc quy hoạch phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Việc nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ là một trong những ngành, nghề hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật;
b) Ngoài các cơ sở, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công công cụ hỗ trợ thuộc Bộ Công an đã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, các thành phố trực thuộc Trung ương không được phép thành lập quá hai cơ sở, doanh nghiệp;
c) Trên phạm vi cả nước, các cơ sở, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ hiện có và thành lập mới không quá 20 cơ sở, doanh nghiệp.
Điều 17. Trang bị công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân
1. Công an nhân dân được trang bị các loại công cụ hỗ trợ quy định tại Khoản 9, Điều 3 Pháp lệnh.
2. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ quy định tại Khoản 2, Điều 11 Thông tư này.
3. Việc trang bị công cụ hỗ trợ phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị để trang bị số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ cho phù hợp.
Điều 18. Quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ
1. Đối với các loại công cụ hỗ trợ không phải cấp Giấy phép sử dụng theo quy định tại Khoản 1, Điều 21 Nghị định thì sau khi mua phải mang công cụ hỗ trợ kèm theo hóa đơn hoặc phiếu xuất kho đến cơ quan Công an đã cấp Giấy phép mua để đăng ký. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an cấp Giấy xác nhận đăng ký.
2. Việc sử dụng công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 12 Thông tư này.
Điều 19. Trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa công cụ hỗ trợ
1. Phải thực hiện các quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 13 Thông tư này.
2. Các cơ sở, doanh nghiệp có chức năng sửa chữa công cụ hỗ trợ chỉ được phép sửa chữa công cụ hỗ trợ theo Giấy phép sửa chữa do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp.
3. Cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ chỉ bán công cụ hỗ trợ theo Giấy phép mua do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp.
4. Các cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ, khi mua lại của nhau để kinh doanh, bên mua phải lập hồ sơ đề nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy phép mua. Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép mua; trong đó, nêu rõ số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ; tên, địa chỉ cơ sở, doanh nghiệp bán lại;
b) Giấy giới thiệu của người đến liên hệ.
Người đến liên hệ phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy phép mua theo quy định.
".
Như vậy, để sử dụng công cụ hỗ trợ, bạn phải thuộc trường hợp được phép trang bị và cần phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định pháp luật.
2. Việc bắt, giữ kẻ trộm cắp tài sản
Bộ luật tố tụng hiện hành quy định:
" Điều 82. Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã
1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.".
Như vậy, theo quy định của pháp luât (Bộ luật tố tụng năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng có quy định tương tự. Đến thời điểm BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thì hành vi gây thương tích cho người bị bắt quả tang còn được loại trừ trách nhiệm hình sự...) mọi công dân đều có quyền khống chế, tước vũ khí và bắt giữ người phạm tội quả tang để giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Cần lưu ý trong khi bắt trộm là không được "đánh hội đồng", không được gây thương tích hoặc giết kẻ trộm. Nếu trong quá trình bắt giữ mà đối tượng có hành vi tấn công trở lại, có hung khí... thì người dân có quyền chống trả một cách cần thiết, có quyền dùng vũ lực để khống chế, bắt giữ kẻ gian. Khi đã khống chế, bắt giữ được kẻ gian rồi thì tuyệt đối không được đánh đập, quá khích mà hành hung, gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của kẻ gian, cần thông báo, áp giải ngay cho cơ quan công an để giải quyết.
3. Việc tấn công, đánh trả người có hành vi trộm cắp tài sản:
Pháp luật cho phép mọi người dân đều có quyền bắt người phạm tội quả tang, bắt người có lệnh truy nã... Khi bắt giữ đối tượng nghi phạm tội quả tang mà đối tượng đó tấn công trở lại, chống trả thì người bắt giữ có quyền dùng vũ lực để tự vệ, khống chế, bắt giữ theo quy định về phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 15 BLHS, cụ thể như sau:
"Điều 15. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.".