(VietNamNet) - Những giảng viên hiện đang làm luật sư đều cho rằng, giảng viên dạy về luật làm luật sư không hề làm "vương vấn" mối quan hệ thầy trò trước đây. Giới luật sư không đồng tình với quy định công chức, viên chức - trong đó có giảng viên luật không được hành nghề luật sư từ 1/10.
VietNamNet ngày vừa có cuộc trao đổi với Tiến sĩ luật, luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn luật sư Hải Phòng) và Tiến sĩ luật, luật sư Phạm Liêm Chính (Đoàn luật sư Hà Nội).
- Từ 1/10, theo Pháp lệnh Luật sư mới, những viên chức như giảng viên, nhà nghiên cứu luật ở các trường, viện sẽ không được hành nghề luật sư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Luật sư Phạm Hồng Hải: Cán bộ, công chức là người làm trong bộ máy công quyền, bộ máy hành chính nhà nước như các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, toà án, kiểm sát, cơ quan điều tra... Ngoài ra có những cơ quan khác, đặc biệt là hành chính sự nghiệp như trường học, bệnh viện, các viện nghiên cứu. Duy nhất Việt Nam các cơ quan này hưởng lương ngân sách nhưng chẳng có quyền lực gì trong bộ máy công quyền cả!
Người ta tránh công chức làm luật sư, họ cũng ngại chuyện sử dụng tri thức, vị trí của mình tác động giải quyết vụ việc không được khách quan. Theo Pháp lệnh Luật sư trước đây chỉ có những người trong toà án, công an, kiểm sát không được làm luật sư nhưng bây giờ tất cả viên chức ở các trường, các viện đều không được làm. Tôi đã có ý kiến với Vụ Quản lý luật sư (Bộ Tư pháp), cơ quan này có nói sẽ hướng dẫn lại. Bởi trong Pháp lệnh Cán bộ, công chức nói ''công chức làm trong các cơ quan hành chính sự nghiệp gọi là viên chức''. Nhập nhèm ở chỗ đó!
- Luật sư, Tiến sĩ luật Phạm Liêm Chính: Tôi là người được đào tạo ở Pháp trong một thời gian rất dài (10 năm) nên có điều kiện nghiên cứu các quy chế hành nghề, quy tắc nghề nghiệp của luật sư. Các giáo sư đại học, những người làm công tác giảng dạy nếu có thời gian rỗi rãi thì có thể làm luật sư. Ở đấy họ không cấm! Nghề dạy học tuy ăn lương của nhà nước, ký hợp đồng lao động với nhà nước nhưng họ là những người làm nghề tự do. Quy chế hành nghề tự do cho người ta một sự độc lập với các cơ quan công quyền để làm luật sư. Luật sư không độc lập thì không thể bảo vệ quyền lợi của thân chủ.
Những người làm giảng viên 100% dạy về luật làm luật sư không ảnh hưởng gì mà chỉ làm tốt cho xã hội, cho bản thân họ. Bởi vì họ làm luật sư thì họ đem được những kiến thức trong sách vở gắn với đời sống thực tế. Bài giảng của một giảng viên làm luật sư rất sâu và rất sinh động! Mỗi điều luật giảng ra có cả một cái hồn là điều luật ấy được nhìn dưới nhiều góc độ của cơ quan tiến hành tố tụng, của bị can, bị cáo, của luật sư! Bởi vì công an, viện kiểm sát để ý vào buộc tội, luật sư là gỡ tội, toà án đứng giữa nghe ai đúng ai sai và phán quyết có tội hay không có tội.
Tôi ủng hộ các giảng viên đại học làm luật sư!
- Có ý kiến cho rằng giảng viên luật là ''thầy'' nếu làm luật sư sẽ rất khó xử cho các ''học trò'' là thẩm phán, kiểm sát viên?
- Luật sư Phạm Hồng Hải: Nói thế vô cùng lắm! Chẳng hạn một ông về hưu làm luật sư nhưng cấp dưới của ông này lại là thẩm phán thì sao? Nếu quan hệ này là bố con trong gia đình còn phụ thuộc nhiều hơn!
- Luật sư Phạm Liêm Chính: Có người nhìn nhận giảng viên, người thầy làm luật sư thì học trò là thẩm phán phải nể làm sai luật! Điều này không nên có trong một xã hội pháp quyền, nhà nước pháp quyền! Trước đây tôi là học trò của ông nhưng bây giờ tôi là thẩm phán, thậm chí bây giờ ông là người có tội thì tôi cũng xử đúng luật! Chuyện nào ra chuyện ấy chứ không thể bị vương vấn ông là thầy của tôi ngày xưa thì tôi phải nương tay, cho ông thắng, làm méo luật của Nhà nước. Nếu có đủ bằng chứng như thế, điều sai ở anh thẩm phán chứ không phải sai ở ông thầy làm luật sư! Mà dùng cái cớ ấy để chặn người đang dạy học không được làm luật sư thì không đúng!
- Thưa Luật sư Phạm Hồng Hải, ông hiện thuộc biên chế của Đại học Luật Hà Nội, như thế từ 1/10 sẽ thôi hành nghề luật sư?
|
Luật sư Phạm Hồng Hải sẽ thôi làm luật sư từ 1/10? |
- Luật sư Phạm Hồng Hải: Sắp tới coi như mình thôi làm luật sư, không còn gọi là thành viên của đoàn luật sư nữa! Công việc luật sư bây giờ trở thành luật gia! Vì luật gia là thành viên một tổ chức xã hội thì trở thành bào chữa viên nhân dân. Nếu cấm hành nghề luật sư nhưng vẫn làm bào chữa viên nhân dân cũng chẳng khác gì luật sư! Luật cũng không cấm làm việc ở các văn phòng tư vấn của các tổ chức xã hội như hội luật gia.
- Thưa Luật sư Phạm Liêm Chính, ông nghĩ sao khi phải từ bỏ nghề luật sư?
- Luật sư Phạm Liêm Chính: Để hành nghề luật sư một cách đúng nghĩa của nó thì tôi đã dời bỏ, thôi việc Nhà nước cách đây 3 năm. Khi tôi dời bỏ việc Nhà nước thì cũng có một trường đại học rất lớn ở Hà Nội mời tôi về làm trưởng bộ môn luật. Lúc đó tôi vào nghề luật sư thì cũng cân nhắc! Nghề luật sư là tay phải, là sự nghiệp, là mơ ước cả cuộc đời của tôi thì tôi phải giữ cái đó. Còn làm luật sư, tôi vẫn được mời đi thỉnh giảng, đi dạy các chương trình cao học của Pháp mở tại Việt Nam... Dạy các chương trình luật kinh doanh (bussiness law) họ trả thù lao rất cao. Tuy nhiên, làm luật sư một giờ tư vấn đối với tôi cao hơn rất nhiều!
|