Nhiều trường hợp mặc dù quyết định của Tòa án đã có hiệu lực từ rất lâu nhưng vẫn chưa được thi hành án, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Vậy để đảm bảo quyền lợi cho mình, các đương sự phải giải quyết như thế nào?
Căn cứ theo Điều 30 Luật thi hành án 2008, thì “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”.
Như vậy, trong thời hạn 5 năm đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Nếu hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này.
Đơn yêu cầu thi hành án bao gồm các nội dung được quy định tại Điều 31 Luật thi hành án Dân sự và Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014 như sau:
“Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây:
a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án”.
Sau khi nhận được đơn yêu cầu, nếu nội dung yêu cầu hợp lệ thì trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án.
Nếu người bị thi hành án vẫn không chịu thực hiện theo đúng quyết định của cơ quan thi hành án và quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án có quyền thực hiện việc cưỡng chế để đảm bảo quyền thi hành án, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.