Kỹ năng của Luật sư trong các vụ án về tranh chấp đất đai

Chủ đề   RSS   
  • #533120 18/11/2019

    MinhPig
    Top 75
    Female
    Lớp 12

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:06/04/2018
    Tổng số bài viết (804)
    Số điểm: 20259
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 767 lần


    Kỹ năng của Luật sư trong các vụ án về tranh chấp đất đai

    Bài viết liên quan:

    >>> Các bước chuyển nhượng quyền sử dụng đất

    >>> Phân biệt tranh chấp đất đai và tranh chấp về đất đai

    >>> Các trường hợp ĐƯỢC và KHÔNG ĐƯỢC cấp GCN quyền sử dụng đất


    Kỹ năng của Luật sư trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án về tranh chấp đất đai

    Trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án, luật sư đều có vai trò tư vấn pháp luật như: tư vấn nên khởi kiện hay không khởi kiện, nên hoà giải hay không, thu thập và cung cấp chứng cứ, đề đạt với toà án những yêu cầu nào, rút yêu cầu nào…

    Vai trò tư vấn pháp luật của luật sư trong giai đoạn đầu của vụ án đôi khi là sự quyết định quyền lợi của khách hàng. Như đối với vụ án tranh chấp thừa kế về quyền sử dụng đất đã hết thời hiệu khởi kiện, nếu Luật sư không nhận thấy vấn đề thời hiệu đã hết, không tham mưu cho khách hàng chấp nhận phương án hoà giải thì khách hàng sẽ bị mất toàn bộ quyền lợi do toà án không thụ lý hoặc trả lại đơn khởi kiện khi phát hiện thấy việc tranh chấp không còn thời hiệu.

    1. Tiếp nhận yêu cầu và trao đổi với khách hàng

    –  Trao đổi nội dung vụ tranh chấp:

    Thông qua việc trình bày của khách hàng, luật sư lắng nghe và đặt các câu hỏi gợi ý để khách hàng trình bày đúng bản chất của sự việc một cách vô tư, khách quan, nhằm xác định rõ bản chất sự việc.

    Và biết được khách hàng đang quan tâm đến vấn đề gì, yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp. Nắm một cách khái quát yêu cầu của khách hàng là gì, liệu ta có đáp ứng được các yêu cầu đó không. Xác định quan hệ pháp luật của vụ kiện, thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền giải quyết vụ án, điều kiện khởi kiện; nhằm để giải quyết vấn đề cốt yếu là có nên kiện hay không, hay chỉ là thương lượng hoà giải, nếu có kiện thì phải làm như thế nào.

    Cần xác định rõ một số vấn đề như sau:

    + Loại tranh chấp? Các bên trong quan hệ tranh chấp gồm những ai, tư cách như thế nào? Nội dung của tranh chấp?

    + Yêu cầu cụ thể của khách hàng là gì? Tài liệu, chứng cứ mà khách hàng cung cấp là gì, đánh giá giá trị của chứng cứ đó

    Khách hàng có thể yêu cầu luật sư tư vấn hoặc yêu cầu luật sư đóng vai trò là người bảo vệ quyền lợi hay người đại diện cho họ trong quá trình giải quyết vụ án.

    –  Quyết định có nên kiện hay không:

    Tranh chấp đất đai là một tranh chấp phức tạp, và đất đai có giá trị thường rất lớn, nên có thể chi phí đi kèm với vấn đề khởi kiện cũng rất cao, như tiền tạm ứng án phí.

    Vì vậy, luật sư phải cùng khách hàng trao đổi kỹ và chia sẻ với khách hàng về bản chất của tranh chấp, giúp họ nhìn nhận lại một cách đầy đủ khách quan hơn về vấn đề này. Phân tích cho khách hàng thấy được những điểm lợi và những thiệt hại mà khách hàng sẽ được hưởng hoặc phải gánh chịu nếu thua kiện. Từ đó thống nhất lại với khách hàng các vấn đề trọng tâm và quyết định việc khởi kiện hay không khởi kiện (khách hàng là nguyên đơn) hoặc giúp khách hàng chuẩn bị tâm lý và các chứng cứ để phản bác lại phía bị đơn (khách hàng là bị đơn).

    Nếu khách hàng muốn khởi kiện thì Luật sư sẽ bằng kỹ năng của mình tư vấn cho họ về khởi kiện. Khi tư vấn cho khách hàng về khởi kiện thì trước hết Luật sư cần phải định hình được khả năng hoà giải với phía bên kia như thế nào?

    Để có thể khởi kiện được thì người khởi kiện có quyền khởi kiện theo luật định như:

    - Trực tiếp tham gia trong quan hệ pháp luật,

    - Có năng lực hành vi tố tụng dân sự,…

    - Đơn khởi kiện còn nằm trong thời hiệu khởi kiện hay không?

    - Sự việc mà đương sự kiện chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án, cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

    Trong trường hợp có thể hoà giải thì Luật sư tiến hành hoà giải cho các bên đương sự.

    2. Hướng dẫn đương sự viết đơn khởi kiện

    – Luật sư là người tư vấn nhưng quyết định khởi kiện hay không là quyền của khách hàng. Luật sư không được quyết định thay cho khách hàng bởi vì nếu làm thay trách nhiệm của luật sư rất nặng nề.

    Đơn khởi kiện là một văn bản có giá trị tố tụng quan trọng. Đơn khởi kiện thể hiện các yêu cầu của đương sự trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất mà họ yêu cầu Toà án giải quyết. Luật sư giúp khách hàng làm đơn khởi kiện, trên cơ sở các tài liệu của khách hàng, Luật sư xác định thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền của toà án,… Theo quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện, đơn khởi kiện phải bao gồm các nội dung chính:

    + Thời gian khởi kiện;

    + Tên toà án nhận đơn khởi kiện;

    + Tên, địa chỉ người khởi kiện;

    + Tên và địa chỉ của người bị kiện;

    + Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan;

    + Các vấn đề cụ thể yêu cầu toà án giải quyết;

    + Tài liệu và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

    – Ngoài đơn khởi kiện ra, đương sự phải gửi kèm giấy tờ về quyền sử dụng đất, như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) hoặc giấy tờ khác theo quy định pháp luật.

    Phải nêu được giao dịch xảy ra vào thời điểm nào một cách chính xác, có tuân theo thủ tục mà pháp luật quy định hay không hay chỉ là viết tay (Theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao thì giao dịch dân sự nhà đất trước 1.7.1991 chỉ cần viết tay là được); Biên bản hoà giải tại địa phương, nếu hoà giải không thành thì Toà án sẽ thụ lý giải quyết).

    – Luật sư phải luôn tôn trọng ý kiến của khách hàng về sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 trong quá trình tố tụng, đương sự có thể thay đổi, bổ sung hay rút bớt yêu cầu, vì vậy luật sư phải luôn chú ý để kịp thời tư vấn cho khách hàng nên đưa ra các yêu cầu như thế nào là hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật.

    3. Hướng dẫn đương sự thu thập và cung cấp chứng cứ

    – Đối với các vụ án tranh chấp đất đai, vấn đề tìm ra chứng cứ và cung cấp chứng cứ là rất quan trọng. Vì trong nhiều vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất có nguồn gốc rất lâu đời, nên chứng cứ bị mất dần đi theo thời gian, việc thu thập chứng cứ là vô cùng khó khăn.

    Hơn nữa, pháp luật của Việt Nam về đất đai thay đổi nhiều qua từng thời kỳ, việc quy định về vấn đề chứng cứ cũng thay đổi nhiều như: thời kỳ cải cách ruộng đất, trước và sau giải phóng, trước và sau khi có các luật đất đai,…

    Theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự: “Đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp…”, “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định…”.

    Nguồn chứng cứ:

    Nguồn chứng cứ trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất rất phong phú, nhất là các chứng cứ gián tiếp. Đương sự có thể tìm chứng cứ từ nhiều nguồn khác nhau như theo quy định của Nguồn chứng cứ, Xác định chứng cứ nguồn chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau:

    + Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; các vật chứng;

    + Lời khai của đương sự;

    + Lời khai của người làm chứng;

    + Kết luận giám định; kết quả định giá tài sản,…

    Cho nên, để bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, luật sư phải tư vấn cho khách hàng về thu thập chứng cứ từ nhiều nguồn chứng cứ khác nhau để cung cấp cho Toà án phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án. Và một việc cũng rất quan trọng là luật sư cần giúp đương sự, hướng dẫn đương sự tập hợp lại các chứng cứ đã thu thập được, đánh giá sơ bộ chứng cứ nào là quan trọng đối với việc giải quyết vụ án.

    Giao nộp chứng cứ:

    Theo quy định tại BLTTDS 2015: “Trong quá trình Toà án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Toà án; nếu đương không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó...”. Sau khi đã thu thập chứng cứ cần thiết, luật sư cần hướng dẫn đương sự cung cấp chứng cứ cho Toà án và cân nhắc kỹ lưỡng việc cung cấp chứng cứ vào thời điểm nào có lợi cho việc giải quyết vụ án. Đây là quyết định có tính chiến lược trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất

    Có thể cung cấp chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử hoặc cung cấp chứng cứ tại phiên toà. Thực tế cho thấy, trong các vụ án tranh chấp về nhà đất, chứng cứ rất phức tạp. Vì vậy, kỹ năng của Luật sư đối với việc xem xét, đánh giá chứng cứ phải được trau dồi thường xuyên và đúc rút được nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này hết sức bổ ích đối với hoạt động hành nghề của luật sư.

    4. Nghiên cứu hồ sơ

    – Sau khi đã tư vấn cho khách hàng về các vấn đề đã nêu trên, khách hàng có thể mời Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Trong giai đoạn này, luật sư cần phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho việc nghiên cứu hồ sơ của khách hàng và hồ sơ vụ án, vấn đề này đòi hỏi luật sư phải có kỹ năng nghiên cứu.

    – Nghiên cứu hồ sơ trong bối cảnh này để tìm hiểu, xem xét kỹ lưỡng những vấn đề cốt lõi trong hồ sơ, nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư phải nắm được các thông tin quan trọng, kiểm tra thông tin, rút ra điểm lợi thế và điểm bất lợi của các bên tranh chấp.

    Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Luật sư phải ghi chép những nội dung quan trọng hay sao chép tài liệu và các bút lực cần thiết, hệ thống lại trên cơ sở đánh giá chứng cứ và bổ sung thêm nếu thấy cần thiết. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư phải kiểm tra, đánh giá những thông tin có được nhằm xác định độ chính xác của thông tin.

    Từ sự gợi ý của hồ sơ Luật sư phải thu thập chứng cứ và tiếp tục củng cố hồ sơ. Luật sư có thể đề xuất các biện pháp cần thiết với Toà án hoặc cơ quan hữu quan những vấn đề liên quan đến hồ sơ và việc giải quyết vụ án.

    Nói chung, một số nội dung cần được củng cố chắc chắn trong quá trình nghiên cứu hồ sơ:

    –  Kiểm tra lại quan hệ pháp luật có tranh chấp.

    –  Kiểm tra lại các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng:

    + Kiểm tra tính hợp lệ trong việc thụ lý của Toà án,

    + Thẩm quyền giải quyết của Toà án;

    + Thời hiệu khởi kiện;

    + Người có quyền khởi kiện; hoà giải;

    –  Làm rõ nội dung tranh chấp.

    –  Nghiên cứu và đánh giá chứng cứ:

    Là việc luật sư trực tiếp cảm thụ, xem xét, phân tích và so sánh chứng cứ. Cũng như trong hoạt động xét xử, việc thu thập, nghiên cứu, bảo quản và đánh giá chứng cứ là một công việc hết sức quan trọng. Luật sư cần nắm rõ vấn đề này để chuẩn bị tốt cho giai đoạn tham gia phiên toà. Trong quá trình nghiên cứu và đánh giá chứng cứ, luật sư có thể phát hiện ra những chứng cứ bất lợi và có lợi cho khách hàng của mình, những chứng cứ có lợi cần khai thác triệt để.

    –  Nghiên cứu các quy định của pháp luật, văn bản pháp luật cần thiết để áp dụng phù hợp với nội dung vụ tranh chấp.

    5. Chuẩn bị Bản đề cương Luận cứ bảo vệ cho thân chủ

    Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng về mặt tố tụng:

    – Bản luận cứ thể hiện kết quả của quá trình chuẩn bị tham gia phiên toà.

    – Là cơ sở để luật sư tranh luận, bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại phiên toà. Thông qua đó, luật sư phân tích, nhận định và giải thích pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

    –  Thể hiện trình độ, kiến thức của luật sư.

    –  Phản ánh quan điểm bảo vệ của luật sư, phản ánh nguyện vọng của khách hàng thông qua các yêu cầu mà luật sư đề xuất.

    Để có một bản luận cứ sắc sảo, có tính thuyết phục, luật sư cần phải làm tốt các khâu chuẩn bị sau:

    – Lên đề cương chi tiết.

    – Lắp đặt những phần đã được ghi chép vào đề cương luận cứ.

    – Trình bày những nhận định và đề xuất dưới dạng đơn giản.

    – Chuẩn bị các luận cứ để phản bác lại các ý kiến của đối phương.

    –  Sử dụng các văn bản pháp luật.

    Cơ cấu bản luận cứ bao gồm ba phần:

    –  Phần mở đầu: Giới thiệu qua về bản thân luật sư, bối cảnh nhận tham gia phiên toà.

    – Phần nội dung: Nêu tóm tắt diễn biến vụ án; phân tích tính hợp lệ, bất hợp lệ đối với việc mà toà án thụ lý; nhận định quan hệ tranh chấp; xác định những vấn đề cần giải quyết, đưa ra luận điểm của mình;

    – Phần cuối

    Đề xuất các yêu cầu cụ thể, rõ ràng.

    Luật sư có thể gửi bản luận cứ của mình trước cho Hội đồng xét xử nhưng phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với diễn biến của phiên toà.

    Nguồn: FBLAW

    Cập nhật bởi MinhPig ngày 18/11/2019 10:49:58 SA
     
    12079 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn MinhPig vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (18/11/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận