Giấy tờ có giá được xác định là một loại tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 105. Tài sản
1.Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.”
Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự lại không có quy định cụ thể về khái niệm “giấy tờ có giá”.
Việc huy động vốn bằng phát hành giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng được điều chỉnh tại Thông tư số 01/2021/TT-NHNN. Theo đó thì “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.
Hoạt động huy động vốn thông qua hình thức phát hành giấy tờ có giá là việc các tổ chức tín dụng vay vốn của các tổ chức, cá nhân thông qua việc phát hành giấy tờ có giá với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động này có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, là những thỏa thuận vay nợ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Bởi vì, thực chất các giấy tờ có giá được phát hành đều là những phiếu nợ do các tổ chức tín dụng phát hành để cam kết hoàn trả một số tền nhất định ghi trên giấy tờ có giá đó cho người sở hữu vào một ngày nhất định trong tương lai.
Như vậy, các tổ chức tín dụng là người tiếp nhận vốn đầu tư còn khách hàng là người đầu tư gián tiếp vào tổ chức tín dụng đó và nhận một khoản lãi theo thỏa thuận.
Thứ hai, Đối tượng của hoạt động phát hành giấy tờ có giá là tiền tệ - khoản tiền vốn mà khách hàng đồng ý chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng.
Tuy giấy tờ có giá không phải là đối tượng của hoạt động phát hành giấy tờ có giá nhưng giấy tờ có giá được xem là hình thức pháp lý của giao dịch, đồng thời là chứng cứ chứng minh quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên.